Thiện Ác Đấu Tranh
24—Trong Nơi Chí Thánh
ĐỀ TÀI ĐỀN THÁNH là chìa khóa mở sự mầu nhiệm của niềm thất vọng năm 1844. Chìa khóa này đã mở cho thấy lẽ thật hoan toàn và hòa hợp, bày tỏ bàn tay Đức Chúa Trời đã hướng dẫn phong trào phục lâm vĩ đại va bày tỏ nhiệm vụ hiện tại, soi sáng cho dân sự Ngài biết địa vị và công việc của họ. Cũng như những môn đồ của Đức Chúa Giê-su sau đêm hãi hùng, đau buồn và thất vọng, “họ vui mừng khi thấy lại Chúa,” thì dân sự cũng vui mừng chờ đợi trong đức tin ngày Chúa phục lâm. Họ trông mong Chúa trở lại trong sự vinh hiển để ban thưởng cho các tôi tớ Ngài. Nhưng họ đã thất vọng vì không thấy Đức Chúa Giê-su, và cũng như Ma-ri tại ngôi mộ, họ đã kêu lên, “Người ta đã dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở đâu” (Giăng 20:13). Bây giờ, họ tìm thấy Chúa trong nơi chí thánh làm Thầy Tế lễ Thượng phẩm hay thương xót, sắp sửa hiện ra làm Vua và Đấng Giải cứu. Sự sáng chiếu ra từ đền thánh soi sáng quá khứ, hiện tại và tương lai. Họ biết rằng ý định không sai lầm của Đức Chúa Trời đã hướng dẫn họ. Cũng như các môn đồ đầu tiên, họ không hiểu thấu hết sứ điệp mình rao truyền, nhưng sứ điệp ấy rất đúng về mọi phương diện. Khi rao truyền sứ điệp ấy, họ đã thực hiện ý định Đức Chúa Trời, và công việc họ không vô ích trước mặt Chúa. Họ được “niềm hy vọng sống,” và họ vui mừng “không tả nổi và đầy dẫy sự vinh hiển.” TT20 373.1
Lời tiên tri Đa-ni-ên 8:14, “Cho đến hai ngàn ba tram buổi chiều và buổi mai, sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch,” và sứ điệp của vị thiên sứ thứ nhất, “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến” đều nói về chức vụ của Đức Chúa Giê-su trong nơi chí thánh để thi hành việc điều tra phán xét, chứ không nói về sự tái lâm để cứu chuộc dân Ngài và hủy diệt kẻ ác. Sự sai lầm không phải tại tính sai thời kỳ tiên tri, mà tại giải nghĩa sai biến cố chờ đợi mãn thời kỳ 2300 ngày. Sự sai lầm nay khiến các tín đồ thất vọng, nhưng tất cả những gì lời tiên tri dự ngôn, và Kinh Thánh báo trước đều ứng nghiệm. Chính trong lúc họ khóc lóc về sự thất vọng của mình, thì biến cố rao báo bởi sứ điệp xảy ra, đó là biến cố phải đến trước ngày Chúa phục lâm để ban thưởng các tôi tớ Ngài. TT20 373.2
Đấng Christ không đến trên đất này như người ta trông chờ, nhưng đến nơi chí thánh trong đền thánh trên trời, như nghi lễ hình bóng đã rao báo. Tiên tri Đa-ni-ên chỉ cho chúng ta thấy lúc đó Ngài đi tới Đấng Thượng Cổ, “Ta lại nhìn xem trong những sự hiện thấy ban đêm, này, có một người giống như Con người đến với những đám mây trên trời; người tới đến Đấng Thượng cổ,” chứ không phải đến thế gian (Đa-ni-ên 7:13). TT20 374.1
Tiên tri Ma-la-chi cũng đã dự ngôn về sự đến này, “Và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong” (Ma-la-chi 3:1). Sự Chúa vào đền thờ đối với dân sự Ngài thật là thình lình và bất ngờ. Người ta không đợi Ngài ở đo. Người ta chờ đợi Ngài trên đất “giữa ngọn lửa hừng, báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin lành của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7, 8). TT20 374.2
Nhưng dân sự Đức Chúa Trời chưa sẵn sàng để tiếp rước Chúa mình. Họ cần phải được sửa soạn. Ánh sáng hướng dẫn họ tới đền thánh trên trời, và bởi đức tin, họ đi theo Thầy Tế lễ Thượng phẩm trong chức vụ mới, và những trách nhiệm mới được bày tỏ cho họ. Một sứ điệp cảnh cáo khác và lời chỉ dẫn được ban cho hội thánh. TT20 374.3
Tiên tri Ma-la-chi nói, “Ai sẽ đương nổi ngày Ngài đến, và ai đứng được khi Ngài hiện ra? Vì Ngài giống như lửa của thợ luyện, như tro thợ giặt. Ngài sẽ ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch; Ngài sẽ chùi các con trai Lê-vi, làm cho chúng nó sạch như vàng và bạc; chúng nó sẽ dâng của lễ cho Đức Giê-hô-va trong sự công bình” (Ma-la-chi 3:2, 3). Khi Đấng Christ chấm dứt công việc cầu thay trong đền thánh trên trời, những người còn sống trên đất phải đứng trước mặt Đức Chúa Trời mà không có Đấng cầu thay. Áo của họ phải không dấu vết, tính tình họ phải trong sạch nhờ huyết của Chúa. Nhờ ân điển Đức Chúa Trời và sự cố gắng bền đỗ của mình, họ phải chiến thắng điều ác. Trong khi cong việc điều tra phán xét tiến hành trên trời, trong khi tội lỗi những tín đồ ăn năn được xóa khỏi sổ trên trời, thì dưới đất một công việc thanh lọc đặc biệt, việc từ bỏ tội lỗi của dân sự Đức Chúa Trời phải được thi hành. Việc này được trình bày rõ ràng hơn trong những sứ điệp của Khải huyền 14. TT20 374.4
Khi công việc này hoàn thành thì các môn đồ Đấng Christ sẽ sẵn sàng cho sự Chúa tái lâm. “Bấy giờ của lễ của Giu-đa và Giê-ru-sa-lem sẽ được đẹp lòng Đức Giê-hô-va, như những ngày xưa, và như những năm thượng cổ” (Mala-chi 3:4). Bấy giờ Chúa sẽ đến đón hội thánh Ngài “đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài” (Ê-phê-sô 5:27). Khi ấy, hội thánh sẽ “hiện ra như rạng đong, đẹp như mặt trăng, tinh sạch như mặt trời, đáng sợ khác nào đạo quân giương cờ xí” (Nhã ca 6:10). TT20 375.1
Ngoài sự Chúa vào đền thờ, tiên tri Ma-la-chi còn nói trước về ngày Chúa tái lâm để thi hành sự phán xét, “Ta sẽ đến gần các ngươi đặng làm sự đoán xét, và Ta sẽ vội vàng làm chứng nghịch cùng những kẻ đồng bóng, tà dâm, những kẻ thề dối, những kẻ gạt tiền công của người làm thuê, hiếp đáp kẻ góa bụa va kẻ mồ côi, những kẻ làm hại người khách lạ, và những kẻ không kính sợ Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Ma-la-chi 3:5). Giu-đe nói về cảnh đó rằng, “Nầy, Chúa ngự đến với muôn vàn thánh, đặng phán xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin kính về mọi việc không tin kính họ đã phạm, cùng mọi lời sỉ hổ mà những kẻ có tội không tin kính đó đã nói nghịch cùng Ngài” (Giu-đe 15). Sự đến này, và sự đến của Chúa trong đền thánh Ngài, là hai biến cố riêng biệt. TT20 375.2
Sự đến của Đấng Christ trong nơi chí thánh để làm thầy tế lễ thượng phẩm đặng làm sạch đền thánh trong Đa-ni-ên 8:14; sự đến của Con người gần Đấng Thượng Cỗ được nói đến trong Đa-ni-ên 7:13; và sự đến của Chúa trong đền thờ Ngài, mà tiên tri Ma-la-chi đã dự ngôn, đều miêu tả cùng một biến cố; và đây cũng là sự đến của chàng rể trong tiệc cưới, mà Đấng Christ đã diễn tả về ví dụ mười người nữ đồng trinh trong Ma-thi-ơ 25. TT20 375.3
Trong mùa hè và mùa thu năm 1844, có lời rao truyền, “Kìa, Chàng rể đến!” Bấy giờ có hai hạng tín đồ được tiêu biểu bởi những nữ đồng trinh khôn và dại—những nữ đồng trinh khôn vui mừng chờ đợi ngày Chúa tái lâm, siêng năng sửa soạn để tiếp rước Ngài; còn những nữ đồng trinh dại thì hành động vì lo sợ và cảm xúc, thỏa lòng với những lý thuyết về lẽ thật nhưng thiếu ân điển Đức Chúa Trời. Trong ví dụ, khi chàng rể đến, “những người chực sẵn thì đi với chàng rể vào tiệc cưới.” Sự đến của chàng rể xảy ra trước lễ tiệc cưới. Lễ này tiêu biểu lúc Đấng Christ nhận nước Ngài. Thành Thánh, Giê-ru-sa-lem mới, là kinh đô của nước Ngài, được gọi là “nàng dâu, vợ của Chiên Con.” Thiên sứ nói cùng Giăng, “Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con.” Tiên tri viết “Rồi tôi được Thánh Linh cảm động, thiên sứ đó đưa tôi đến trên một hòn núi lớn và cao, và chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống” (Khải huyền 21:9, 10). Thật rõ ràng, người vợ mới cưới chỉ về Thành Thánh, và những nữ đồng trinh đi rước chàng rể tiêu biểu cho hội thánh. Trong Khải huyền 19:9, dân sự Đức Chúa Trời được mời tới dự tiẹc cưới. Nếu là khách, thì họ không thể tiêu biểu cho nàng dâu. Tiên tri Đa-ni-ên nói Đấng Christ nhận từ Đấng Thượng Cổ trên trời “quyền thế, vinh hiển và nước” (Đa-ni-ên 7:14); Ngài nhận thành Giê-ru-sa-lem Mới là kinh đô của nước Ngài, “sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình” (Khải huyền 21:2). Sau khi nhận được nước, Ngài sẽ tái lâm trong sự vinh hiển, như Vua của muôn vua và Chúa của muôn Chúa, để đem dân sự Ngài “ngồi chung bàn với Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp,” trong nước Ngài (Ma-thi-ơ 8:11; Lu-ca 22:30), để dự tiệc cưới Chiên Con. TT20 376.1
Tiếng kêu “Kìa, Chàng rể đến” vang dội mùa hè năm 1844, khiến hằng ngàn người chờ đợi ngày tái lâm hầu gần của Chúa. Đến thời kỳ ấn định, Chàng rể đến, không phải trên đất này như người ta chờ đợi, nhưng trên trời, trước Đấng Thượng Cổ, trong tiệc cưới để nhận nước Ngài. “Kẻ nào chực sẵn, thì đi với Ngài vào tiệc cưới, và cửa đóng lại.” Những người này không phải có mặt tại tiệc cưới, vì cử hành ở trên trời, trong khi họ còn đang ở thế gian. Các đầy tớ phải “chờ đợi Chủ mình ở tiệc cưới về” (Lu-ca 12:36). Nhưng họ phải hiểu công việc của Chủ và phải lấy đức tin theo Chủ khi Ngài đến trước Đức Chúa Trời. Theo ý nghĩa này, họ được vào dự tiệc cưới. TT20 376.2
Trong ví dụ, chỉ có những người có đèn và có dầu trong bình được vào phòng tiệc. Những người này, ngoài sự hiểu biết lẽ thật trong Kinh Thánh, cũng có Thánh Linh và ân điển Đức Chúa Trời, và trong đêm thử thách đắng cay, họ đã bền lòng chờ đợi, nghiên cứu Kinh Thánh để được ánh sáng rõ ràng hơn—họ thấy lẽ thật về đền thánh trên trời và sự thay đổi chức vụ của Đấng Cứu Thế, và bởi đức tin họ theo Ngài trong đền thánh trên trời. Và tất cả những người, qua lời chứng của Kinh Thánh, chấp nhận những lẽ thật này, và bởi đức tin theo Đấng Christ đến trước Đức Chúa Trời để làm công việc cầu thay, xong rồi để nhận nước Ngài—tất cả những người này được miêu tả như là vào phòng tiệc cưới. TT20 377.1
Ma-thi-ơ 22 có ví dụ nói về hình bóng của tiệc cưới, và trước lễ cưới có sự điều tra phán xét. Vua vào phòng tiệc, xem xét những người được mời để coi họ có mặc áo lễ không, đó là áo công bình chỉ về tính tình trong sạch được giặt và làm trắng bởi huyết của Chiên Con (Ma-thi-ơ 22:11; Khải huyền 7:14). Người nào không mặc áo ấy sẽ bị quăng ra ngoài, nhưng người nào có mặc áo đó thì được Đức Chúa Trời chấp nhận và được coi là xứng đáng dự phần trong nước Ngài, và được ngối trên ngai của Ngài. Sự xem xét tính tình, sự quyết định ai là người sửa soạn cho nước Đức Chúa Trời, là cuộc điều tra phán xét, công việc cuối cùng của đền thánh trên trời. TT20 377.2
Khi công việc điều tra phán xét hoàn thành, khi tất cả mọi người tin Chúa trải qua các thời đại được phán xét và quyết định, bấy giờ, và chỉ lúc bấy giờ, thời kỳ ân điển sẽ chấm dứt, và cửa tình thương sẽ đóng lại. Vì vậy trong câu ngắn này, “Kẻ nào chực sẵn thì đi với Người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại” (Ma-thi-ơ 25:10), dẫn chúng ta đến chức vụ cuối cùng của Đấng Cứu Thế, là thời kỳ khi công việc cứu chuộc vĩ đại cho loài người sẽ hoàn thành. TT20 377.3
Trong đền thánh dưới đất, chúng ta thấy hình bóng của công việc trên trời, khi thầy tế lễ thượng phẩm vào nơi chí thánh trong ngày Đại lễ Chuộc tội, thì công việc trong nơi thánh chấm dứt. Đức Chúa Trời phán, “Khi thầy tế lễ vào đặng làm lễ chuộc tội nơi thánh cho đến khi người ra, thì chẳng nên có ai ở tại hội mạc” (Lê-vi Ký 16:17). Cũng một lẽ ấy, khi Đấng Christ vào nơi chí thánh để hoàn thành công việc chuộc tội, thì Ngài chấm dứt công việc ở nơi thánh. Nhưng khi công việc của phần thứ nhất chấm dứt, thì chức vụ ở phần thứ hai bắt đầu. Khi thầy tế lễ thượng phẩm rời nơi thánh trong ngày Đại lễ Chuộc tội, người đến trước Đức Chúa Trời để dâng lên huyết của lễ chuộc tội cho những người thật lòng ăn năn tội lỗi mình trong dân Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, Đấng Christ chỉ hoàn thành một phần công việc Ngài như Đấng cầu thay cho chúng ta, để vào một phấn khác, và Ngài vẫn tiếp tục dùng huyết Ngài cầu thay trước mặt Đức Chúa Cha cho kẻ có tội. TT20 377.4
Những tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm trong năm 1844 không hiểu vấn đề này. Sau thời gian trông đợi Đấng Cứu Thế đã qua, họ cứ tin rằng ngày Chúa đến đã gần; họ thấy đã đến cơn khủng hoảng quan trọng và công việc cầu thay của Đấng Christ trước mặt Đức Chúa Cha đã xong. Họ nghĩ Kinh Thánh dạy thời kỳ ân điển sẽ mãn trong thời gian ngắn trước ngày Chúa tái lâm trên mây trời. Điều này có vẻ đã được chứng tỏ bởi lời Kinh Thánh miêu tả thời kỳ người ta sẽ tìm, sẽ gõ, sẽ khóc trước cửa tình thương, nhưng sẽ không được mở cho họ. Và họ tự hỏi thời kỳ mà họ trông đợi Chúa đến có thể là đánh dấu sự bắt đầu cho thời gian ngay trước khi Chúa đến. Sau khi đã cảnh cáo thế gian về ngày phán xét hầu gần, họ cảm thấy mình đã làm xong phận sự, và không quan tâm đến sự cứu rỗi của tội nhân, trong khi đó những lời nhạo báng và phạm thưọng của kẻ ác đối với họ là một bằng chứng nữa rang Thánh Linh Đức Chúa Trời đã rút khỏi những kẻ từ chối sự thương xót của Ngài. Tất cả những việc đó làm cho họ tin chắc rằng thời kỳ ân điển đã mãn, hay là, như họ diễn tả, “cửa ân điển đã đóng.” TT20 378.1
Sự nghiên cứu về đền thánh đem lại cho họ ánh sáng mới. Bấy giờ họ thấy rằng họ đã tin đúng là khi mãn thời kỳ 2300 ngày năm 1844 đánh dấu một cơn khủng hoảng quan trọng. Nhưng nếu đã đóng cửa hy vọng và thương xót mà do đó nhân loại được đến gần Đức Chúa Trời trong mười tám thế kỷ, thì một cửa khác được mở ra, và sự tha tội cho loài người nhờ sự cầu thay của Đấng Christ trong nơi Chí thánh. Một phần của chức vụ Ngài đã chấm dứt, để nhường chỗ cho một phần khác. Vẫn còn một cái “cửa mở” trong đen thánh trên trời, nơi Đấng Christ cầu thay cho kẻ có tội. TT20 378.2
Bấy giờ người ta hiểu được lời Đấng Christ phán cùng hội thanh Ngài, “Này là lời phán của Đấng Thánh, chân thật, là Đấng có chìa khóa của Đa-vít, mở thì không ai đóng được, đóng thì không ai mở được: Ta biết công việc ngươi; này, Ta đã mở trước mặt ngươi một cái cửa không ai đóng được” (Khải huyền 3:7, 8). TT20 379.1
Những người lấy đức tin theo Đức Chúa Giê-su trong công việc chuộc tội vĩ đại, sẽ được hưởng sự cầu thay của Ngài, trong khi đó những người từ chối ánh sáng của công việc Ngài thì không hưởng được lợi ích nào cả. Người Giuđa đã chối bỏ sự sáng ban cho họ khi Đấng Christ đến lần thứ nhất, và không nhận Ngài là Đấng Cứu Thế nên không nhận được sự tha thứ của Ngài. Khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên, Ngài vào đền thánh, và bởi huyết Ngài đổ xuống cho các môn đồ những ơn phước do sự cầu thay của Ngài, nhưng người Giu-đa thì bị bỏ sống trong sự tối tăm hoan toàn để tiếp tục dâng của lễ vô ích. Hệ thống nghi lễ hình bóng đã qua. Cái cửa mà ngày xưa người ta đến cùng Đức Chúa Trời đã đóng. Người Giu-đa đã chối bỏ con đường duy nhất mà họ có thể tìm thấy Ngài, là qua chức vụ trong đền thánh trên trời. Vì vậy, họ mất sự thông công với Đức Chúa Trời. Đối với họ, cửa đã đóng rồi. Họ không biết Đấng Christ là của lễ thật và là Đấng trung bảo duy nhất trước mặt Đức Chúa Trời; nên họ không hưởng được ân phước nơi sự cầu thay của Ngài. TT20 379.2
Tình trạng người Giu-đa vô tín tiêu biểu cho tình trạng của các Cơ Đốc nhân bất cẩn và vô tín, cố ý không học hỏi về công việc của thầy Tế lễ Thượng phẩm đầy lòng thương xót của chúng ta. Trong sự nghi lễ hình bóng, khi thầy tế le thượng phẩm vào nơi chí thánh, mọi người Y-sơ-ra-ên phải hội họp chung quanh đền thánh và hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời cách long trọng, để nhận sự tha tội và để không bị truất khỏi hội chúng. Cần thiết hơn nữa là trong ngày Đại lễ Chuộc tội, chúng ta phải hiểu biết về công việc của thầy Tế lễ Thượng phẩm va những bổn phận Ngài đòi hỏi nơi chúng ta. TT20 379.3
Người ta không thể chối bỏ những lời cảnh báo của Chúa mà không bị hình phạt. Trong thời Nô-ê, Đức Chúa Trời truyền sứ điệp cảnh cáo cho thế gian, và sự cứu rỗi của họ tùy thuộc vào cách họ đáp lại sứ điệp đó. Bởi vì họ chối bỏ sứ điệp cảnh báo, Thánh Linh Chúa đã xây bỏ dòng dõi gian ác ấy, và họ bị hủy diệt trong cơn nước lụt. Trong thời Ápra-ham, sự thương xót của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi dân tội lỗi của thành Sô-đôm, và tất cả đều bị hủy diệt bởi lửa trời, ngoại trừ Lót, vợ, và hai con gái ông. Cũng vậy, trong thời Đấng Christ, Ngài phán cùng dân Giu-đa vô tín rằng, “Nhà các ngươi sẽ bỏ hoang” (Ma-thi-ơ 23:38). Nói về ngày sau rốt, Đấng Quyền phép Vô cùng phán, “chúng nó đã không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi. Ây vì thế mà Đức Chúa Trời cho chúng nó mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin điều dối giả, hầu cho hết thảy những người không tin lẽ thật, song chuộng sự không công bình, đều bị phục dưới sự phán xét của Ngài” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:10-12). Vì họ chối bỏ những sự dạy dỗ của lời Chúa, nên Ngài cất Thánh Linh khỏi họ, và phó họ cho sự lầm lạc mà họ ưa thích. TT20 379.4
Tuy vậy, Đấng Christ vẫn cầu thay cho loài người, và ánh sáng vẫn được ban cho những người đi tìm kiếm. Mặc dù lúc ban đầu người Cơ Đốc phục lâm không hiểu điều này, nhưng sau đó trở nên rõ ràng khi họ hiểu ý nghĩa những lời Kinh Thánh nói về bổn phận của họ. TT20 380.1
Năm 1844 đã qua, sau đó là thời kỳ thử thách lớn lao cho những người giữ đức tin phục lâm. Sự giải thoát duy nhất của họ là ánh sáng hướng dẫn tâm trí họ về đền thánh trên trời. Một số người từ bỏ sự tin tưởng nơi cách tính thời kỳ tiên tri và cho rang ảnh hưởng mạnh mẽ của Đức Thánh Linh nơi phong trào Cơ Đốc phục lâm là do loài người hay Sa-tan mà ra. Một số người khác tin chắc Chúa hướng dẫn họ trong kinh nghiệm này; và trong khi chờ đợi, thức canh và cầu nguyện để biết ý muốn của Đức Chúa Trời, thì họ thấy Thầy Tế lễ Thượng phẩm đã vào một giai đoạn mới của chức vụ Ngài; bởi đức tin, họ đi theo Ngài, và được soi sáng để thấy chức vụ cuối cùng của hội thánh. Họ hiểu rõ ràng hơn sứ điệp của thiên sứ thứ nhất và thứ hai, họ sẵn sàng tiếp nhận và rao truyền cho thế gian sứ điệp cảnh báo nghiêm trọng của thiên sứ thứ ba trong Khải huyền 14. TT20 380.2