TÌNH YÊU TRONG LỬA
Sai lầm chết người
Sai lầm chết người đem sầu khổ cho nước Pháp là họ đã từ chối lẽ thật vĩ đại này: quyền tự do thật nằm trong giới hạn của Luật pháp Chúa. “Than ôi, ước gì các ngươi để ý đến điều răn Ta! Thì sự bình an ngươi như sông, sự công bình ngươi như sóng biển” (Ê-sai 48:18). TTL 129.1
Những ai không đọc bài học trong Quyển sách của Đức Chúa Trời thì hãy đọc bài học này trong lịch sử. TTL 129.2
Khi Satan sử dụng Giáo hội Công giáo La Mã hướng dẫn người ta không vâng phục, là hắn che đậy hành tung của hắn. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã ngăn cản những kế hoạch của nó để không đạt trọn vẹn mục đích. Con người không biết lần ngược lại dấu vết để tìm ra nguồn cội đau khổ của họ. Bởi vậy, trong phong trào Cách Mạng, Quốc hội đã công khai bỏ luật pháp Chúa qua một bên. Rồi đến Thời kỳ Khủng khiếp xảy ra, mọi người có thể thấy rõ luật nhân quả. TTL 129.3
Phá bỏ luật công bình và đạo đức sẽ gặt lấy bại hoại. Thánh Linh của Đức Chúa Trời cầm giữ quyền lực hung bạo của Satan, nay lần lần bị cất đi, nên kẻ vui thích với tình trạng sầu khổ của nhân loại được phép làm gì tùy ý. Người nào chọn con đường bội nghịch sẽ bị bỏ lại để gặt lấy hậu quả của nó. Tội phạm đầy đẫy trên đất. Từ các tỉnh bị tàn phá đến các thành phố bị đổ nát, văng vẳng tiếng khóc kinh hoàng của những nỗi thống khổ đắng cay. Nước Pháp bị lung lay như trong trận động đất. Tôn giáo, luật pháp, trật tự xã hội, gia đình, quốc gia và hội thánh, tất cả đều bị lật đổ dưới bàn tay chống phá luật pháp Đức Chúa Trời. TTL 129.4
Hai người làm chứng trung thành của Đức Chúa Trời không thể làm thinh được nữa, mặc dù họ bị giết bởi sức mạnh báng bổ “từ dưới vực sâu lên”. “Sau ba ngày rưỡi ấy, có sanh khí từ Đức Chúa Trời nhập vào trong hai người, hai người bèn đứng thẳng dậy, và những kẻ đứng xem đều kinh hãi cả thể” (Khải Huyền 11:11). Vào năm 1793, Quốc hội Pháp thông qua sắc lệnh hủy bỏ Kinh Thánh. Sau ba năm rưỡi, Quốc hội lại bãi bỏ sắc lệnh ấy. Người ta nhìn nhận lại cần phải có đức tin nơi Đức Chúa Trời và Lời Ngài chính là nền tảng của đời sống đức hạnh và đạo nghĩa. TTL 129.5
Đề cập đến “hai người làm chứng” (Cựu Ước và Tân Ước), tiên tri nói thêm: “Hai người nghe một tiếng phán từ trên trời đến cùng mình rằng: Hãy lên đây! Hai người bèn lên trời trong đám mây và những kẻ thù nghịch đều trông thấy” (Khải Huyền 11:12). “Hai người làm chứng của Đức Chúa Trời” được tôn trọng hơn bao giờ hết. Năm 1804, Thánh Kinh Anh quốc được thành lập, tiếp theo đó cũng có các tổ chức ở lục địa Châu Âu. Năm 1816, Hiệp hội Thánh Kinh Hoa Kỳ được thành lập. Từ ngày đó trở đi, Kinh Thánh được dịch ra hàng trăm thứ tiếng và thổ ngữ (xem Phụ lục 21). TTL 129.6
Trước năm 1792, việc truyền giáo ra nước ngoài ít được chú ý. Nhưng đến cuối thế kỷ thứ mười tám thì có một sự thay đổi lớn xảy ra. Người ta cảm thấy bất mãn với chủ nghĩa duy lý và nhận ra rằng cần phải có sự khải thị thiêng liêng và tôn giáo dựa trên kinh nghiệm. Khi ấy, sứ mạng truyền giáo ngoại quốc mới phát triển chưa từng thấy (xem Phụ lục 22). TTL 130.1
Công nghệ in ấn phát triển đã giúp ích rất nhiều cho việc truyền bá Kinh Thánh. Những thành kiến cũ và tính cá biệt của quốc gia cũng bị phá bỏ, quyền thế giáo hoàng bị mất đi quyền lực tối cao, mở cửa nhiều nơi cho Lời Chúa bước vào. Ngày nay, Kinh Thánh đã đến khắp nơi trên địa cầu. TTL 130.2
Voltaire vô thần nói rằng: “Tôi phát mệt khi nghe người ta nói đi nói lại về việc có mười hai người đàn ông sáng lập ra Cơ Đốc giáo. Tôi sẽ chứng minh rằng chỉ cần một người cũng đủ sức đạp đổ tôn giáo ấy”. Hàng triệu người đã liên kết để tranh chiến cùng Kinh Thánh, nhưng còn lâu mới hủy diệt được. Thời Voltaire sống chỉ có khoảng một trăm cuốn, nhưng nay đã có một trăm ngàn cuốn Lời Chúa (thống kê gần đây là khoảng 3 tỉ cuốn Kinh Thánh được in ấn bằng hàng ngàn ngôn ngữ và thổ ngữ khác nhau). Một nhà Cải Chánh giáo tiền xu đã viết: “Kinh Thánh là một cái đe đã làm mòn nhiều cái búa”. TTL 130.3
Ai lập quyền thế nơi loài người sẽ bị sụp đổ, nhưng người nào đặt nền tảng trên hòn đá Lời Đức Chúa Trời sẽ còn mãi đời đời. TTL 130.4