TÌNH YÊU TRONG LỬA
Có thể làm gì được nữa
“Khi người Huguenots chạy trốn thì nước Pháp đã sa sút toàn bộ. Các thành phố có nhiều hãng xưởng cường thịnh bị rơi vào tình trạng suy sụp... Khi phong trào Cách Mạng nổ ra, người ta ước lượng ở Paris có khoảng hai trăm ngàn người xin vua cứu trợ từ thiện. Duy chỉ có dòng Jesuit là nở rộ giữa hoàn cảnh đất nước suy tàn”. (Wylie, book 13, chapter 20 ) TTL 126.5
Phúc âm đã có thể mang đến cho nước Pháp cách giải quyết đối với những người vướng khó khăn này, là những vấn đề gây đau đầu giới tăng lữ, vua và các nhà lập pháp; rốt cuộc đất nước cũng bị nhấn chìm trong đổ nát. Dưới sự thống trị của La Mã, dân chúng đã mất các bài học của Đấng Cứu Thế về sự hy sinh và tình yêu vô vị kỷ vì lợi ích tha nhân. Kẻ giàu không bị quở trách gì khi áp bức kẻ nghèo, dân nghèo không nhận được sự giúp đỡ gì cho tình cảnh cơ hàn của họ. Thói ích kỷ của kẻ giàu sang và quyền lực càng ngày càng đè nặng. Trải qua nhiều thế kỷ, người giàu cư xử tệ với người nghèo, nên người nghèo căm ghét người giàu. TTL 126.6
Tại nhiều tỉnh thành, các tầng lớp lao động sống nhờ vào lòng thương hại của chủ điền và bắt buộc phải thực hiện mọi đòi hỏi quá đáng của chủ. Các tầng lớp trung lưu và hạ lưu bị chính phủ và hàng giáo phẩm đánh thuế nặng nề. “Tá điền và nông dân có thể chết đói vì phải nuôi nấng những kẻ áp bức họ... Cuộc đời của những người làm việc trên những cánh đồng là làm việc không thôi và cực khổ triền miên. Khi họ cất tiếng than... sẽ bị nghe những lời sỉ nhục xấc xược... Các thẩm phán là những kẻ khét tiếng ăn hối lộ... Chưa tới phân nửa tiền thuế được nộp về triều đình hay ngân khố giáo hội, những kẻ thâu thuế giữ lại gần hết để tiêu xài hoang phí vào thói đam mê lạc thú ghê tởm. Bằng cách này, những kẻ gây bần cùng hóa đồng hương mình lại không bị đóng thuế mà còn có địa vị nhờ luật định hoặc hưởng đặc quyền nhờ phong tục tập quán của quốc gia... Để thỏa mãn những khao khát ích kỷ của đám người này, hàng triệu dân đen bị ép buộc sống cuộc đời vô vọng và cùng khổ” (xem Phụ lục 18). TTL 127.1
Hơn nửa thế kỷ trước khi xảy ra phong trào Cách Mạng, vua Louis XV nắm giữ ngai vàng. Ông ta nổi tiếng là một ông vua biếng nhác, hời hợt và ham mê lạc thú. Khi ngân sách quốc gia thiếu hụt, dân chúng cảm thấy bực tức, thì không cần nhà tiên tri nào nói trước cũng hiểu được chuyện kinh khủng gì sắp nổ ra. Các cố vấn khuyên nài vua nên cải cách, nhưng ông không thèm nghe. Số phận bất hạnh đang đến với nước Pháp được mô tả trong câu trả lời ích kỷ của vua: “Sau ta, là đại hồng thủy!”. TTL 127.2
La Mã tác động đến các vua cùng các nhà cầm quyền để giữ dân chúng sống cảnh nô lệ, dự tính trói buộc các nhà lãnh đạo đất nước và dân chúng bằng xiềng xích của họ. Đạo đức suy đồi còn nguy hiểm gấp ngàn lần hơn nỗi đau đớn về thể xác do chính sách ấy gây ra. Kinh Thánh bị tước mất, chỉ nghe những lời dạy dỗ đầy ích kỷ, dân chúng bị bao phủ trong sự ngu dốt, chìm đắm trong thói hư tật xấu, hoàn toàn thiếu năng lực kiềm chế bản thân. TTL 127.3