TÌNH YÊU TRONG LỬA
Tiến trình ở Thụy Điển
Ở Thụy Điển cũng vậy, các thanh niên từ trường Wittenberg mang nước sự sống về tổ quốc của họ. Hai nhà lãnh đạo Cải Chánh người Thụy Điển là Olaf và Laurentius cũng được Luther và Melanchthon giảng dạy. Giống như các nhà Cải Chánh vĩ đại, Olaf thu hút dân chúng bằng tài hùng biện, còn Laurentius thì giống Melanchthon, là người suy nghĩ thấu đáu và điềm tĩnh. Cả hai đều có lòng can đảm không hề nao núng. Các linh mục Công giáo kích động những người thất học và mê tín. Olaf Petri đã nhiều lần thoát chết. Tuy nhiên, hai nhà Cải Chánh được nhà vua bảo vệ, vua từng thừa nhận cần phải có cuộc cải cách tôn giáo nên chào đón mấy người cộng sự đầy năng lực này trong trận chiến chống lại La Mã. TTL 110.3
Trước sự hiện diện của vua và các nhà lãnh đạo Thụy Điển, Olaf Petri bênh vực đức tin Cải Chánh bằng tài năng tuyệt vời của mình. Ông tuyên bố rằng Cơ Đốc nhân chỉ nên chấp nhận những đạo lý của giáo phụ khi chúng hòa hợp với Kinh Thánh, Kinh Thánh bày tỏ các giáo lý căn bản về đức tin theo cách rất rõ ràng để tất cả mọi người đều có thể hiểu. TTL 110.4
Các sự kiện này chứng tỏ cho chúng ta thấy “hạng người nào thuộc về đạo binh của những nhà Cải Chánh. Họ không phải là những người mù chữ, đầu óc hẹp hòi, ưa tranh cãi ồn ào, họ khác xa như thế. Họ là những con người biết học hỏi lời Chúa và sử dụng thành thạo kho vũ khí do Kinh Thánh cung cấp. Họ là những học giả, những nhà thần đạo, những người am tường hết hệ thống lẽ thật, dễ dàng chiến thắng những người ngụy biện ở trường học và quyền cao chức trọng của La Mã”. (James A. Wylie, History of Protestiantism, book 10, chapter 4) TTL 110.5
Vua Thụy Điển chấp nhận đức tin Cải Chánh và hội đồng quốc gia cũng biểu quyết đồng ý. Theo ước muốn của vua, hai anh em đảm trách nhiệm vụ dịch toàn bộ Kinh Thánh. Quốc hội ban hành chỉ thị áp dụng cả vương quốc rằng các nhà truyền giáo phải giải nghĩa Kinh Thánh, học sinh phải được dạy biết đọc Kinh Thánh. TTL 110.6
Thoát khỏi sự ràng buộc của La Mã, đất nước phát triển vững mạnh và phồn thịnh hơn bao giờ hết. Một thế kỷ sau, quốc gia nhỏ bé yếu đuối này đã giải cứu nước Đức trong cuộc đấu tranh khốc liệt của Trận chiến Ba Mươi năm, là quốc gia duy nhất ở Châu Âu dám tiếp tay giúp đỡ. Khi ấy, tất cả các nước Bắc Âu dường như bị xếp đặt trở lại dưới sự độc tài của La Mã. Tuy nhiên, các đội quân của Thụy Điển đã giúp nước Đức giành chiến thắng, đem sự khoan dung cho những người theo Cải Chánh và gìn giữ tự do lương tâm cho các nước đã tiếp nhận phong trào Cải Chánh. TTL 111.1