TÌNH YÊU TRONG LỬA

83/282

Chương 13—Hà Lan Và Scandinavia

Tại Hà Lan, chế độ độc tài của giáo hoàng đã bị phản đối từ rất sớm. Bảy trăm năm trước Luther, hai giám mục dũng cảm đã tố cáo giáo hoàng sau chuyến công sứ đến La Mã và tận mắt chứng kiến bản chất thật của “đức thánh cha”: “Ông tự đặt mình lên đền thờ của Đức Chúa Trời. Thay vì là người chăn, ông đã trở thành một con sói đối với bầy chiên... Thay vì nên làm tôi tớ cho những người hầu việc Chúa như ông đã tự xưng, thì ông lại cố gắng làm chúa của các chúa... Ông đã khinh thường luật pháp Đức Chúa Trời”. (Gerard Brandt, History of the Reformation in and About the Low Countries, book 1, page 6) TTL 108.1

Nhiều thế kỷ trôi qua, các nước khác cũng đứng lên tiếp tục việc phản đối này. Họ dịch Kinh Thánh Waldensians sang tiếng Hà Lan. Vào thế kỷ thứ mười hai, những người đồng hành cùng đức tin tổ phụ đã tuyên bố rằng: “Trong Kinh Thánh có nhiều lợi ích; không có lời đùa cợt, không có truyện thần thoại, không có những từ vô nghĩa, không gian dối, chỉ có những lời của lẽ thật”. (Gerard Brandt, History of the Reformation in and About the Low Countries, book 1, page 14 ) TTL 108.2

La Mã bắt đầu đàn áp, nhưng số tín đồ vẫn tiếp tục tăng lên, họ tuyên bố rằng chỉ Kinh Thánh mới có thẩm quyền không sai lầm trong tôn giáo, “không ai bị bắt buộc phải tin nhận, nhưng nên thu phục họ bằng cách rao giảng”. (W. Carlos Martyn, The Life and Times of Martin Luther, volume 2, page 87) TTL 108.3

Giáo lý của Luther đã tìm được những người nhiệt tình và trung thành ở Hà Lan đi rao truyền tin lành. Menno Simons là người được Công giáo La Mã giáo dục và được thụ phong linh mục, lại là người mù mờ Kinh Thánh và cũng không chịu đọc vì ông sợ bị giống dị giáo. Ông cố gắng làm câm nín tiếng nói lương tâm, nhưng thất bại. Sau một thời gian, ông được dẫn dắt đọc sách Tân Ước. Qua các sách của Luther, ông đã chấp nhận đức tin Cải Chánh. TTL 108.4

Không lâu sau đó, ông chứng kiến một người bị xử tử vì tội làm phép báp-têm lại. Điều này thúc đẩy ông nghiên cứu Kinh Thánh liên quan đến vấn đề rửa tội cho trẻ con. Ông mới hiểu rằng tâm hồn ăn năn và đức tin chính là điều kiện nhận phép báp-têm. TTL 108.5

Menno rời bỏ Giáo hội Công giáo để dâng hiến cuộc đời vào việc truyền bá lẽ thật mà ông vừa nhận. Cả hai nước Đức và Hà Lan có nhóm người cuồng tín nổi lên, vi phạm trật tự và đạo đức, dẫn đến nổi loạn chống chính quyền. Menno cật lực phản đối những giáo lý sai lầm và âm mưu dã man của các nhóm cuồng tín. Suốt hai mươi lăm năm, ông đi khắp Hà Lan và miền Bắc nước Đức, gây ảnh hưởng sâu rộng, lấy chính cuộc sống mình để chứng minh các nguyên tắc mà ông dạy dỗ. Ông là người liêm chính, khiêm nhường và nhân hậu, thẳng thắn và đứng đắn. Nhìn việc làm của ông mà nhiều người đã cải đạo. TTL 108.6

Ở Đức, hoàng đế Charles V ngăn cấm Cải Chánh giáo, nhưng các vương hầu đã kiềm chế sự độc tài của vua. Tại Hà Lan, quyền lực vua còn mạnh hơn, vua ban hành các sắc lệnh bắt bớ hết cái này đến cái khác. Học hỏi Kinh Thánh, nghe hoặc rao giảng, cầu nguyện Chúa ở nơi kín đáo, không chịu cúi đầu trước hình tượng, hát một đoạn thi thiên, tất cả những việc này đều bị trừng phạt bằng án tử hình. Hàng ngàn người đã bị giết dưới triều đại của Charles V và Philip II. TTL 108.7

Một lần nọ, có cả gia đình kia bị dẫn đến trước tòa án dị giáo, họ bị kết tội không tham dự lễ mi-sa và nhóm lễ bái tại nhà. Người con trai út trả lời: “Chúng tôi quỳ xuống cầu xin Đức Chúa Trời soi sáng cho tâm trí chúng tôi và tha tội lỗi chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện cho vua rằng triều đại của vua được thịnh vượng và vua sống hạnh phúc. Chúng tôi cầu nguyện cho các quan chức rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ họ”. Người cha cùng một trong số các con vẫn bị tuyên án hỏa thiêu. (James A. Wylie, History of Protestantism, book 18, chapter 6) TTL 109.1

Không chỉ nam giới mà phụ nữ và nhiều thục nữ cũng bày tỏ lòng dũng cảm không nao núng. “Những người vợ đứng bên cạnh chồng trên giàn hỏa, khi ông chịu đau đớn cực độ về thể xác trong lửa thì họ sẽ nói những lời động viên hoặc hát thi thiên để an ủi chồng mình”. “Các thiếu nữ nằm xuống mồ chôn sống mình như thể họ đi về phòng ngủ. Số khác thì bước lên đoạn đầu đài hoặc giàn hỏa mà lại mặc những bộ trang phục đẹp nhất như thể họ mặc cho đám cưới của mình”. (James A. Wylie, History of Protestantism, book 18, chapter 6 ) TTL 109.2

Sự bắt bớ khiến cho số người làm chứng về lẽ thật càng tăng thêm. Hết năm này đến năm khác, hoàng đế càng thúc giục thi hành công việc tàn ác, thì càng thất bại trong chuyện quét sạch Cải Chánh giáo. Cuối cùng, đến thời William của Orange đã đem lại quyền tự do thờ phượng Đức Chúa Trời cho Hà Lan. TTL 109.3