TÌNH YÊU TRONG LỬA
Kết quả của lối giáo dục mới đã lộ rõ
Các tiên tri giả hướng dẫn dân chúng xao lãng Kinh Thánh hoặc bỏ hẳn qua một bên. Các sinh viên vứt hết mọi thứ ràng buộc, không lo học hành, cuối cùng bỏ học. Những người nghĩ rằng họ đang hồi phục và điều khiển công việc của nhà Cải Chánh thì chỉ thành công trong chuyện đẩy sự việc đến cảnh tiêu tan. Những người ủng hộ La Mã lúc bấy giờ lấy lại tự tin và mừng rỡ la lên: “Còn một trận đấu cuối cùng thôi, rồi tất cả sẽ là của chúng ta”. TTL 88.1
Trong lâu đài Wartburg, Luther nghe kể lại những gì đã xảy ra. Ông cất giọng quan tâm sâu sắc: “Tôi luôn luôn nghĩ rằng Satan sẽ đem đến cho chúng ta tai vạ này”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 9, chapter 7). Ông nhận thấy bản chất thật của những người làm ra vẻ “tiên tri”. Sự chống nghịch của giáo hoàng và của hoàng đế không khiến cho mọi việc trở nên phức tạp và nguy hiểm nhiều bằng những chuyện phát sinh này. Những người tự nhận là “bạn” của nhà Cải Chánh đã trở thành những kẻ thù độc hại nhất, kích động những mối bất hòa giận dữ và gây rối loạn. TTL 88.2
Thánh Linh của Đức Chúa Trời thúc đẩy Luther tiến xa hơn khả năng của ông. Tuy nhiên, ông thường run sợ trước thành quả công việc mình có thể làm: “Nếu tôi biết đạo lý của tôi làm hại một người, chỉ một người thôi, dù người đó bình thường và vô danh (nhưng điều ấy không thể xảy ra được, bởi vì đạo lý ấy chỉ dựa trên phúc âm) thì thà tôi chết mười lần còn hơn là rao giảng”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 9, chapter 7 ). TTL 88.3
Thành Wittenberg lại rơi vào sự cuồng tín và vô trật tự, các kẻ thù của Luther khắp nước Đức đổ thừa lỗi tại ông. Trong nỗi thống khổ đắng cay, ông tự hỏi: “Không lẽ công cuộc Cải Chánh lớn lao này sẽ kết thúc như vậy sao?”. Nhưng sau khi ông vật lộn với Chúa bằng sự cầu nguyện, thì sự bình tâm đã rót vào lòng ông. Ông trần tình: “Cải Chánh không phải là công việc của con, mà là của Ngài”. Mặc dù vậy, ông vẫn quyết định quay trở lại Wittenberg. TTL 88.4
Ông đã bị hoàng đế kết án. Các kẻ thù được phép giết ông, bạn bè bị ngăn cấm không cho che chở ông. Nhưng ông nhìn thấy việc rao truyền phúc âm bị nguy hiểm nên can đảm nhân danh Chúa xông vào chiến đấu cho lẽ thật. Trong bức thư gửi hoàng thân, Luther viết như sau: “Tôi đi Wittenberg dưới một sự bảo vệ cao xa hơn sự che chở của vua chúa và các vương hầu. Tôi không xin điều kiện chu cấp cao quý của ngài nữa, hay nói xa hơn là không muốn ngài phải tiếp tục bảo vệ tôi, mà điều tôi muốn là bảo vệ ngài... Không lưỡi gươm nào có thể giúp cho công việc này tấn tới, chỉ có một mình Đức Chúa Trời phải làm mọi sự”. Trong bức thư thứ hai, Luther viết thêm: “Tôi sẵn lòng hứng chịu sự không hài lòng của quý ngài cùng cơn giận của cả thế giới. Những con người ở Wittenberg không phải là chiên của tôi sao? Nếu cần, tôi cũng nên chết vì họ, đúng không?”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 9, chapter 8 ). TTL 88.5