TÌNH YÊU TRONG LỬA
Luther tiếp tục ứng hầu trước hội nghị
Khi Luther được dẫn vào trước hội nghị, ông điềm tĩnh, thư thái, nhưng can đảm và cao thượng, là chứng nhân của Đức Chúa Trời trước mặt những con người có quyền lực của trái đất này. Viên quan triều đình yêu cầu ông đưa ra quyết định. Ông có mong muốn đầu phục không? Luther đáp lời bằng giọng nhu mì, không giận dữ hay theo cảm xúc. Ông bày tỏ thái độ nhã nhặn và tôn trọng, nhưng tự tin và vui vẻ khiến cho hội nghị cũng phải ngạc nhiên. TTL 75.4
Luther nói: “Thưa hoàng đế anh minh vô cùng, các vương hầu lừng lẫy, các chúa công nhân từ! Hôm nay, tôi ứng hầu trước quý ngài theo lệnh truyền cho tôi ngày hôm qua. Nếu vì thiếu hiểu biết mà tôi lỡ vi phạm các phong tục và lễ nghi của triều đình thì xin quý ngài tha thứ cho tôi, bởi vì tôi không được lớn lên trong cung điện của các vua, mà trong nơi ẩn dật của tu viện”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 7, chapter 8) TTL 75.5
Rồi ông nói rõ có một số sách ông viết về chủ đề đức tin và việc thiện, thậm chí kẻ thù của ông cũng phải công nhận các quyển sách ấy có ích lợi. Nếu rút lại các sách này là kết án những lẽ thật mà mọi người đã chấp nhận. Loại sách thứ hai vạch trần những sự bại hoại và lạm dụng của hệ thống giáo hoàng. Nếu hủy bỏ loại sách này sẽ làm tăng thêm hàng động ngang ngược của La Mã, mở rộng cửa cho tội báng bổ thánh thần dữ dội hơn. Loại sách thứ ba phản đối những cá nhân cố bênh vực tội lỗi đang lộng hành. Đề cập đến vấn đề này, ông thú nhận chuyện cật lực phản đối họ là có thật. Nhưng ông không thể từ bỏ những quyển sách này, vì như vậy thì kẻ thù của lẽ thật sẽ giành lấy cơ hội để nguyền rủa dân sự Chúa dữ dội hơn. TTL 75.6
Ông tiếp tục: “Tôi xin bênh vực mình bằng lời Đấng Christ đã nói: Nếu tôi nói sai, xin chỉ cho biết tôi sai chỗ nào. ...Vì lòng thương xót của Đức Chúa Trời, tôi khẩn khoản đề nghị tất cả quý ngài, hoàng đế anh minh nhất, các vương hầu vinh dự nhất, cùng các bậc quyền quý, hãy trích lời từ các sách tiên tri và các sứ đồ chứng minh tôi sai lầm. Ngay khi tôi được cho thấy điều này, tôi sẽ rút lại mọi sai lầm và sẽ là người đầu tiên quăng sách của tôi vào lửa”. TTL 76.1
“Thay vì mất can đảm, tôi lại vui mừng khi thấy rằng phúc âm ngày nay cũng như ngày xưa đều là duyên cớ gây ra trình trạng rắc rối và bất hòa. Đây là đặc điểm, là số phận của lời Chúa. Đức Chúa Giê-su nói: Ta đến, không phải đem sự bình an mà là đem gươm giáo... Hãy cảnh giác, vì trong lúc quý vị tự tin ngăn chặn sự bất đồng quan điểm lại là lúc quý vị bắt bớ lời Chúa và kéo về cho bản thân trận lụt kinh hoàng của những nguy hiểm không thể vượt qua nổi, những thảm họa hiện tại và sự chết mất đời đời”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 7, chapter 8) TTL 76.2
Luther vừa nói xong bằng tiếng Đức, ông được yêu cầu nói lại bằng tiếng Latin. Lần này ông cũng trình bày các ý kiến đó rõ ràng như trước. Đức Chúa Trời đã dẫn dắt chuyện này. Sai lầm và mê tín đã khiến cho đầu óc của nhiều vua chúa không thấy được sức mạnh trong những quan điểm của Luther khi mới nghe lần đầu, nhưng khi ông lặp lại thì họ đã hiểu rõ ràng các ý kiến mà ông trình bày. TTL 76.3
Những người cứng lòng (đã nhắm mắt lại để không nhìn thấy ánh sáng) thì giận điên lên với những từ ngữ mạnh mẽ của Luther. Một công chức hội nghị giận dữ nói: “Ông chưa trả lời câu hỏi đã nghe... Ông phải trả lời rõ ràng, chính xác... Ông có muốn từ bỏ hay không?”. TTL 76.4
Nhà Cải Chánh trả lời: “Bởi vì hoàng đế anh minh cùng các quý ngài cao trọng yêu cầu tôi trả lời cách dễ hiểu, đơn giản và chính xác, nên tôi xin trả lời một câu như thế này: Tôi không thể lấy đức tin của tôi phục tùng giáo hoàng hay hội nghị, vì chuyện rõ như ban ngày rằng họ thường sai lầm và mâu thuẫn nhau. Bởi vậy, trừ khi tôi được thuyết phục bởi lời chứng của Kinh Thánh... tôi không thể và sẽ không từ bỏ, thật nguy hiểm cho một Cơ Đốc nhân nói ngược với lương tâm của mình. Lập trường của tôi là như vậy. Tôi không làm được gì hơn. Cầu xin Chúa cứu giúp tôi. Amen”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 7, chapter 8) TTL 76.5
Vậy là người công bình hiên ngang đứng đó. Mọi người đều thấy bản chất cao thượng và trong sáng, tấm lòng bình an và vui mừng của ông khi ông làm chứng về sức mạnh đức tin luôn chiến thắng thế gian. TTL 76.6
Khi trả lời câu đầu tiên, Luther nói với giọng kính cẩn, gần như dễ phục tùng. Những người theo phe giáo hoàng cứ tưởng ông đề nghị xin trì hoãn là bước đầu công khai thừa nhận đức tin sai lầm. Trông bộ dạng tiều tụy của người tu sĩ, quần áo đơn sơ, lời nói mộc mạc, chính vua Charles cũng tuyên bố: “Người tu sĩ này không bao giờ dụ được ta theo đạo lạc”. Nhưng hôm nay, lòng can đảm và cương trực cũng như năng lực lý luận mà ông thể hiện đã khiến mọi người ngạc nhiên vô cùng. Hoàng đế cảm phục kêu lên: “Người tu sĩ này nói bằng lòng can đảm và dũng khí cứng rắn”. TTL 76.7
Phe La Mã thất bại. Họ cố gắng duy trì quyền lực, không phải bằng Kinh Thánh mà bằng những lời đe dọa, đó là nguyên tắc bền bỉ của La Mã. Phát ngôn viên của hội nghị nói: “Nếu ngươi không đầu phục thì hoàng đế cùng các vua của đế quốc sẽ có biện pháp đối xử với một kẻ đạo lạc không thể cải tạo”. TTL 77.1
Luther bình tĩnh trả lời: “Cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ tôi, vì tôi không thể đầu phục được”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 7, chapter 8) TTL 77.2
Ông được lệnh phải đi ra ngoài trong khi các vương hầu cùng nhau bàn bạc. Nhận thấy sự bướng bỉnh không chịu đầu phục của Luther sẽ gây ảnh hưởng rất lâu dài đến lịch sử giáo hội, họ quyết định cho ông thêm một cơ hội để đầu phục. Lần nữa, họ hỏi ông có muốn từ bỏ các giáo lý của ông không?. Ông trả lời: “Tôi không có câu trả lời nào khác ngoài câu mà tôi đã nói rồi”. TTL 77.3
Các lãnh đạo giáo hoàng rất bực tức vì quyền lực của họ không đe dọa nổi kẻ tu sĩ hèn mọn này. Luther đã nói tất cả với thái độ của một Cơ Đốc nhân đàng hoàng, điềm tĩnh, từ ngữ không bị ràng buộc bởi cảm xúc hay miêu tả sai. Ông quên mình và chỉ cảm nhận rằng bên ông có sự hiện diện của Đấng siêu phàm hơn các giáo hoàng, các vua hay hoàng đế. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã hiện diện, gây ấn tượng vào lòng các bậc cầm quyền của đế quốc. TTL 77.4
Nhiều vương hầu mạnh dạn xác nhận việc làm của Luther là đúng. Nhóm khác không bày tỏ nhận định của họ, nhưng sau đó đứng lên ủng hộ cho phong trào Cải Chánh. TTL 77.5
Hoàng thân Frederick lắng nghe Luther diễn thuyết mà cảm kích vô cùng. Vui mừng và hãnh diện chứng kiến lòng dũng cảm của người tiến sĩ, hoàng thân quyết định mạnh mẽ đứng ra bênh vực Luther. Ông nhìn thấy quyền năng của lẽ thật đã đánh bại sự khôn ngoan của các giáo hoàng, các vua và những người quyền cao chức trọng trong giáo hội. TTL 77.6
Khi hồng y của giáo hoàng nhận thấy diễn văn của Luther có tác động trên hội nghị, liền quyết tâm dùng mọi thủ đoạn để hạ gục nhà Cải Chánh. Nhờ tài hùng biện và kỹ năng ngoại giao, ông bày tỏ cho vị hoàng đế trẻ tuổi biết sự nguy hiểm của việc hy sinh tình hữu nghị và sự ủng hộ của La Mã chỉ vì một tu sĩ tầm thường. TTL 77.7
Sau ngày mà Luther trả lời, vua Charles thông báo cho hội nghị biết ông quyết định nâng đỡ và bảo vệ đạo Công giáo. Vua dự tính sử dụng phương sách quyền lực chống lại Luther và những kẻ dị giáo mà người dạy dỗ: “Trẫm sẽ hy sinh các vương quốc, kho báu, bạn bè, thân thể, giống nòi, linh hồn và sự sống của trẫm... Trẫm sẽ... tống khứ hắn cùng những người theo hắn như những kẻ đạo lạc bất trị bằng cách dứt phép thông công, ngăn cấm hay bất cứ phương tiện nào khác có thể tiêu diệt chúng”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, book 7, chapter 9). Tuy vậy, hoàng đế cũng thông báo phải tôn trọng giấy thông hành an toàn của Luther. Ông ấy phải được về đến nhà bình an. TTL 77.8