TÌNH YÊU TRONG LỬA

46/282

Luther chỉ yêu cầu theo Kinh Thánh

Trong khi các kẻ thù yêu cầu phải theo phong tục và truyền thống, thì Luther chỉ yêu cầu làm theo Kinh Thánh. Trong đó có những lý luận mà họ không thể trả lời được. Những bài giảng cùng các sách ông viết đã mang luồng ánh sáng đi đánh thức và mở mang tâm trí cho hàng ngàn người. Lời Chúa như chiếc gươm hai lưỡi, xuyên thấu lòng người. Từ trước đến nay, mắt người ta chỉ chăm chú vào các nghi lễ của loài người cùng các thầy tế lễ của trần gian, lúc bấy giờ họ mới quay lại, hướng lòng tin vào Đấng Christ và thập tự giá của Ngài. TTL 64.3

Mối quan tâm phổ biến này khuấy động nỗi lo sợ trong lòng các nhà cầm quyền La Mã. Luther bị triệu tập đến La Mã để giải đáp cho lời tố cáo về đạo lạc. Bạn bè ông biết rất rõ mối nguy hiểm đang đe dọa trong thành phố bại hoại đó, là nơi say máu những người tử vì đạo của Chúa Giê-su. Họ yêu cầu tổ chức điều tra ông tại nước Đức. TTL 64.4

Vấn đề cũng được sắp xếp, có đại diện giáo hoàng (hay còn gọi là công sứ tòa thánh) được chỉ định nghe vụ kiện tụng này. Các chỉ thị cho chức sắc đại diện này biết rằng Luther đã bị tuyên bố là một kẻ đạo lạc. Vì thế đại sứ liền “truy tố và bắt giam ngay lập tức”. Đại sứ được quyền “bài trừ ông bất cứ nơi nào ở Đức; trục xuất, rủa sả, dứt phép thông công tất cả những ai theo ông”, dứt phép thông công tất cả mọi người, ngoại trừ hoàng đế, bất kể họ giữ chức vụ trong hội thánh hay chính quyền, là những người từ chối bắt Luther cùng những người tin theo ông, giải thoát họ khỏi bị La Mã báo thù. (D’Aubigné, book 4, chapter 2) TTL 64.5

Chỉ thị này làm lộ rõ chân tướng không theo một nguyên tắc Cơ Đốc giáo nào hoặc thậm chí chỉ có sự công bình thông thường. Luther không có cơ hội giải thích hay bênh vực cho chức vụ của mình, vậy mà ông bị công bố là đạo lạc, chỉ trong cùng một ngày ông bị chỉ dạy, vu cáo, xét xử rồi kết án. TTL 64.6

Khi Luther thật sự cần lời khuyên của một người bạn chân thành, thì Đức Chúa Trời sai Melanchthon đến Wittenberg. Melanchthon nổi tiếng là người có óc phán đoán, cộng với tính tình trong sạch và ngay thẳng nên ông được mọi người ngưỡng mộ. Ông nhanh chóng trở thành người bạn đáng tin cậy nhất của Luther. Tính hiền hòa, cẩn thận và chính xác của ông hỗ trợ thêm vào tính can đảm và nhiệt huyết của Luther. TTL 65.1

Phiên tòa được tổ chức tại Augsburg (một thành phố miền Nam nước Đức) và nhà Cải Chánh đi bộ tới dự. Có nhiều lời đe dọa rằng ông sẽ bị giết chết trên đường đi nên bạn bè năn nỉ ông đừng đến đó. Nhưng ông đáp: “Tôi cũng giống như tiên tri Giê-rê-mi, một người bị xung đột và ganh ghét; nhưng họ càng dọa tôi thì tôi càng vui mừng hơn nữa... Họ phá hủy danh dự và tiếng tăm của tôi... Nhưng họ không hủy diệt được tâm hồn tôi. Người nào muốn rao truyền lời Đấng Christ cho thế gian sẽ phải chịu chết bất cứ lúc nào”. (D’Aubigné, book 4, chapter 4) TTL 65.2

Biết tin Luther chịu đi đến Augsburg khiến đại diện của giáo hoàng rất thích thú. Kẻ lạc đạo rắc rối từng làm cho cả thế giới phải chú ý giờ đây có vẻ như sắp nằm trong tay La Mã, không thoát nổi đâu. Đại sứ dự tính ép buộc Luther rút lại những lời đã tuyên bố, còn nếu không thì sẽ đem ông về La Mã để đồng chịu chung số phận giống Huss và Jerome. Vì vậy, thông qua các tay sai, hắn tìm cách giục Huss đi mà không cần giấy thông hành an toàn của vua, chỉ tin cậy vào lòng thương xót của hắn. Nhưng nhà Cải Chánh từ chối không đi, đợi đến khi nào ông nhận được giấy cam kết bảo vệ của vua thì mới lên đường đến gặp mặt đại diện của giáo hoàng. TTL 65.3

Như một chiến lược, các đại diện giáo hoàng quyết chí chinh phục Luther bằng hình thức đối đãi nhã nhặn. Đại sứ giáo hoàng bày tỏ thái độ thân thiện hết mực, nhưng ông đề nghị Luther đầu phục hoàn toàn quyền thế giáo hội và từ bỏ mọi quan điểm mà không tranh cãi hay thắc mắc gì. Trong cách trả lời, Luther bày tỏ thái độ tôn trọng giáo hội, khao khát lẽ thật, sẵn sàng trả lời mọi sự phản đối về cách ông dạy dỗ và đưa giáo lý của ông cho lãnh đạo các trường đại học quyết định. Tuy nhiên, ông không chấp nhận đòi hỏi của hồng y giáo chủ muốn ông rút lại lời mà không chứng minh được ông sai chỗ nào. TTL 65.4

Đại sứ chỉ nói: “Hãy rút lời lại, rút lời lại đi!”. Nhà Cải Chánh trưng dẫn quan điểm của ông có căn cứ trong Kinh Thánh. Ông không từ bỏ lẽ thật. Đại sứ không thể bắt bẻ nổi các lập luận của Luther nên áp đảo ông bằng những tràn buộc tội, công kích, tâng bốc, trích dẫn những lời truyền khẩu, những lời nói của các cha cố, không cho nhà Cải Chánh có cơ hội trả lời. Cuối cùng, Luther được phép miễn cưỡng giải thích bằng thư. TTL 65.5

Trong một lá thư gửi cho người bạn, ông viết: “Những gì được viết có thể bị người khác đưa ra phê bình chỉ trích; thứ hai, có cơ hội tốt để tiếp tục tác động tới những kẻ sợ hãi, nếu không nói là đánh vào lương tri của kẻ chuyên chế độc tài kiêu ngạo và bép xép, hay tìm cách chế ngự người khác bằng lối lên giọng hợm hĩnh”. (W. Carlos Martyn, The Life and Time of Martin Luther, page 271, 272) TTL 65.6

Trong cuộc chất vấn tiếp theo, Luther trình bày các quan điểm rõ ràng, ngắn gọn và mạnh mẽ, kèm dẫn chứng Kinh Thánh. Sau khi đọc to bản tường trình, ông trao nó cho hồng y giáo chủ, nhưng ông ấy ném qua một bên, gạt bỏ nó giống như đống từ ngữ vớ vẩn cùng những lời trích dẫn vô nghĩa. Lần này, Luther đã gặp phải một giới chức kiêu căng có cơ sở (dựa trên truyền thống và sự dạy dỗ của giáo hội) và đạp đổ hoàn toàn mọi đề nghị của ông. TTL 65.7

Đại sứ không kiềm chế bản thân được nữa. Ông nổi giận, hét to: “Rút lời đi! Nếu không, ta sẽ giải ngươi về La Mã”. Cuối cùng, ông lên giọng hách dịch, giận dữ tuyên bố: “Đầu phục đi, nếu không thì đừng đến đây nữa”. (D’Aubigné, London edition, book 4, chapter 8) TTL 66.1

Ngay lập tức, nhà Cải Chánh cùng các bạn hữu liền rút lui, điều ấy chứng tỏ rõ ràng là đại sứ không còn mong đợi ông rút lời được nữa. Sự việc vừa diễn ra không nằm trong dự tính của hồng y giáo chủ. Bấy giờ, còn lại một mình cùng các cộng sự, hồng y nhìn mọi người mà cảm thấy nhục nhã vì sai lầm bất ngờ ngoài kế hoạch này. TTL 66.2

Đám đông hiện diện ở đó có cơ hội so sánh hai người, tự đánh giá tinh thần của từng người qua cách thể hiện, cũng như sức mạnh và tính chân thật ở cương vị của họ. Nhà Cải Chánh thì giản dị, nhu mì, kiên quyết và có lẽ thật trong lời nói của mình. Đại diện của giáo hoàng thì lên mặt ta đây, hống hách, vô lý và không có một lý lẽ nào từ Kinh Thánh, chỉ biết la hét: “Rút lời đi! Nếu không, ta sẽ giải ngươi về La Mã”. TTL 66.3