TÌNH YÊU TRONG LỬA
Bình an trong Chúa
Khao khát được bình an trong Chúa đã khiến ông dâng hiến đời mình vào tu viện. Ở đây, có một phần việc bắt buộc, đó là ông phải làm những việc hèn hạ nhất và phải đi xin ăn từ nhà này đến nhà khác. Ông kiên nhẫn chịu đựng việc làm nhục nhã này bởi tin điều đó là cần thiết vì tội lỗi của mình. TTL 60.1
Luther yêu thích học Lời Chúa. Ông tìm thấy một bản Kinh Thánh treo trên tường nhà tu kín nên thường đến đó để đọc, ông cắt giảm giờ ngủ và thậm chí cảm thấy chán ghét vì phải tốn thời gian cho chuyện ăn uống vốn dĩ đạm bạc của mình. TTL 60.2
Ông sống một cuộc đời nghiêm ngặt, cố gắng kìm nén mọi tội lỗi từ bản tính tự nhiên bằng cách kiêng ăn, thức đêm và tự đánh mình. Về sau ông nói: “Nếu như có tu sĩ nào vào được thiên đàng bằng công việc tu hành, thì chắc chắn có tôi trong danh sách đó… Nếu việc ấy còn tiếp tục, thì tôi sẽ ép xác mình thậm chí cho đến chết”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of Reformation of the Sixteen Century, book 2, chapter 3). Dù nỗ lực hết sức mình, nhưng gánh nặng trong lòng ông vẫn không được khuây khỏa. Cuối cùng, ông gần như tuyệt vọng. TTL 60.3
Khi tất cả mọi hy vọng dường như tan biến, Đức Chúa Trời đã dấy lên một người bạn cho ông. Linh mục Staupitz khai sáng Lời Chúa cho Luther và động viên ông đừng nhìn nghĩ về tội lỗi bản thân nữa, mà nên nghĩ về Chúa Giê-su. “Đừng hành hạ thân thể vì tội lỗi mình, nhưng hãy phó mình vào vòng tay của Đấng Cứu Thế. Tin vậy Ngài, tin vào sự công bình từ cuộc đời Ngài, sự đền tội từ việc hy sinh của Ngài… Con của Đức Chúa Trời… đã trở nên loài người để ban cho bạn sự bảo đảm trong ân điển Chúa… hãy kính yêu Đấng đã yêu thương bạn trước”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of Reformation of the Sixteen Century, book 2, chapter 4). Những lời nói này tạo ấn tượng sâu sắc vào tâm trí Luther. Tấm lòng phiền muộn của ông đã tìm được bình an. TTL 60.4
Sau khi thụ phong linh mục, Luther được kêu gọi làm giáo sư Đại học Wittenberg. Ông bắt đầu giảng về các sách Thi Thiên, Phúc âm, các sách thư tín của sứ đồ cho những đám đông thích thú lắng nghe. Staupitz (linh mục bề trên của ông) cũng khuyến khích ông nên bước lên tòa giảng. Tuy nhiên, ông cảm thấy mình chưa xứng đáng được đứng ở vị trí ngang hàng Đấng Christ để giảng cho giáo dân. Sau một thời gian dài đấu tranh tư tưởng, ông đành chịu thua yêu cầu của bạn bè. Ông rất am tường Kinh Thánh, ân điển của Đức Chúa Trời cũng ngự trị trên ông. Ông trình bày lẽ thật cách rõ ràng mạch lạc và thu hút nên thuyết phục được sự hiểu biết của người nghe, những yêu cầu sốt sắng của ông đã chạm vào lòng họ. TTL 60.5
Luther vẫn còn là một người con đích thực thuộc giới tăng lữ của giáo hoàng, ông không nghĩ mình còn mong muốn gì hơn. Ông được viếng thăm La Mã và thực hiện cuộc hành trình này bằng cách đi bộ, ban đêm xin ngủ trong các tu viện trên đường. Ông rất đỗi làm ngạc nhiên khi thấy cảnh lộng lẫy, xa hoa, các thầy tu sống trong những căn nhà sang trọng, mặc quần áo đắc tiền, ăn toàn cao lương mĩ vị. Tâm trí Luther lúc bấy giờ rất hoang mang. TTL 60.6
Cuối cùng, ông cũng đến nơi và nhìn thấy được thành nằm trên bảy ngọn đồi. Ông nằm dài úp mặt xuống đất rồi kêu lên: “Thành thánh La Mã ơi, xin kính chào!”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of Reformation of the Sixteen Century, book 2, chapter 6). Ông đi thăm viếng nhiều thánh đường, nghe các linh mục và thầy tu kể những câu chuyện bịa đặt kỳ quái trước khi cử hành các buổi lễ theo yêu cầu. Khắp mọi nơi, chuyện gì cũng khiến ông ngạc nhiên, tội lỗi xảy ra ngay trong giới tu sĩ, các chức sắc giáo hội ăn nói không chính chắn. Ông càng ghê sợ hơn khi nghe họ dùng những từ tục tĩu ngay trong lễ mi-sa. Ông đối diện với những hành vi vô độ, phóng đãng. Ông viết lại: “Không ai có thể tưởng tượng nổi những tội lỗi và những hành động xấu hổ ở La Mã… Người ta hay nói: Nếu có một địa ngục, thì La Mã được xây ở trên đó”. (J. H. Merle D’Aubigné, History of Reformation of the Sixteen Century, book 2, chapter 6). TTL 61.1