TÌNH YÊU TRONG LỬA
Thành phố Prague bị kết án
Tin tức về những chuyện này tới tai La Mã, Huss bị triệu tập ra mắt giáo hoàng. Vâng lời ra mắt nghĩa là rước cái chết. Vua cùng hoàng hậu Bohemia, trường đại học, các tầng lớp quý tộc và nội các chính phủ đều thống nhất ý kiến cầu xin giáo hoàng cho phép Huss ở lại Prague và cử đại biểu đi thay ông. Thay vì chấp thuận, giáo hoàng đi đến quyết định đẩy Huss vào tình thế nguy nan và kết án ông, tuyên bố dứt phép thông công thành phố Prague (dứt phép thông công: là từ mà Giáo hội Công giáo La Mã dùng để khiển trách, rút lại các bí tích, không cử hành lễ tang cho một giáo dân hoặc cả giáo xứ đó). TTL 50.4
Vào thời buổi đó, bản án này khiến cho người ta vô cùng sợ hãi. Mọi người nghĩ rằng giáo hoàng là người đại diện cho Đức Chúa Trời, cầm giữ hết chìa khóa thiên đàng và địa ngục, nắm quyền lực thi hành án phạt của Đức Chúa Trời lên họ. Họ tin rằng khi nào giáo hoàng chưa bỏ lệnh cấm đó thì người chết vẫn còn bị ở bên ngoài thiên đàng. Tất cả những việc phục vụ tôn giáo đều bị ngưng. Nhà thờ bị đóng cửa. Hôn lễ phải cử hành ngoài sân nhà thờ. Người chết không được tổ chức lễ tang mà bị chôn ở các mương rãnh hoặc ngoài đồng. TTL 50.5
Dân thành Prague bị bấn loạn. Nhiều người lên án Huss và đòi bắt ông nộp cho La Mã. Để làm dịu cơn bão, nhà Cải Chánh phải đi về quê một thời gian. Ông không ngưng công việc mình, mà đi khắp các vùng quê để rao giảng cho nhiều đám đông đang háo hức. Đến khi sự xáo trộn ở Prague lắng xuống, Huss trở lại tiếp tục rao giảng Lời Chúa. Ông còn nhiều kẻ thù có quyền lực, nhưng hoàng hậu, nhiều hàng quý tộc là bạn của ông và đại đa số dân chúng lại ủng hộ ông. TTL 50.6
Huss đã làm việc một mình. Nhưng lúc bấy giờ, Jerome cũng tham gia vào việc Cải Chánh. Từ đó trở đi, hai ông hiệp một trong cuộc sống, đến lúc chết cũng không chia lìa. Trong hai con người tài năng này đều có sức mạnh tính cách thật sự, nhưng Huss nổi trội hơn. Jerome thật sự khiêm nhường, nhận biết giá trị của mình và sẵn sàng tiếp nhận lời tư vấn của bạn. Dưới sự hợp tác hầu việc của họ, công cuộc Cải Chánh nhanh chóng lan rộng. TTL 51.1
Đức Chúa Trời cho phép sự sáng chiếu vào tâm trí của những người được chọn, tiết lộ cho họ thấy những sai trái của La Mã, nhưng họ không nhìn thấy hết những ánh sáng mà Đức Chúa Trời đã truyền cho thế gian. Đức Chúa Trời đã dẫn dắt dân sự Ngài ra khỏi màn đêm của Công giáo La Mã, Ngài dẫn đường họ từng bước đi tùy theo sức chịu đựng. Giống như ánh nắng mặt trời rực rỡ giữa trưa chiếu vào những người đã bị ở trong bóng tối suốt thời gian dài, ánh sáng chói chang sẽ khiến họ sợ quay mặt lại. Bởi vậy mà Đức Chúa Trời chỉ hé lộ ánh sáng từ từ để con người đủ sức tiếp nhận. TTL 51.2
Sự chia rẽ trong giáo hội vẫn tiếp diễn. Cả ba giáo hoàng giờ đây lo tranh giành uy quyền tối cao. Cuộc tranh chấp của họ làm cho Cơ Đốc nhân trên toàn thế giới rối loạn. Không chỉ kết án nhau kịch liệt, mà họ còn mua vũ khí rồi chiêu một quân lính. Tất nhiên là họ cần tiền để làm chuyện này. Vì vậy nên họ phải đem bán quà tặng, chức tước và sự chúc phúc giáo hội (xem Phụ lục 8). TTL 51.3
Huss càng ngày càng dũng cảm tố cáo những hành động bất lương ghê tởm mà họ nhân danh tôn giáo để tha thứ. Giáo dân cũng thường xuyên buộc tội La Mã là nguyên nhân gây sầu khổ tràn ngập thế giới Cơ Đốc giáo. TTL 51.4
Dường như thành Prague sắp đứng bên bờ chiến tranh đẫm máu thêm lần nữa. Giống như trong quá khứ, các sứ đồ của Chúa cũng bị kết tội là “kẻ làm rối loạn Y-sơ-ra-ên” (1 Các Vua 18:17). La Mã lại ra lệnh cấm thành, Huss lại phải trở về quê hương. Ông thực hiện rao giảng ở một phạm vi còn rộng lớn hơn, đó là tất cả giáo dân Cơ Đốc giáo, trước khi phó sự sống mình làm chứng nhân cho lẽ thật. TTL 51.5
Một hội nghị tổng giám mục được yêu cầu tổ chức tại Constance (miền tây nam nước Đức). Hoàng đế Sigismund muốn có một hội nghị giám mục như vậy, nên một trong ba giáo hoàng kình địch nhau là John XXIII được yêu cầu đứng ra triệu tập. Giáo hoàng John là người có tư cách và đường lối chính trị chẳng tốt đẹp nếu bị điều tra, nhưng lại không dám làm trái ý Sigismund (xem Phụ lục 12). Mục đích chính cần thực hiện là hàn gắn sự chia rẽ trong giáo hội và nhổ tận gốc “đạo lạc”. Hai giáo hoàng thù địch nhau được triệu tập đến, John Huss cũng vậy. Cả hai giáo hoàng đối thủ lại cử đại diện đi thay. Còn giáo hoàng John đến dự mà lòng đầy lo sợ. Ông sợ rằng sẽ phải trả lời cho những sự đồi bại làm nhơ nhuốc vương miệng giáo hoàng, cũng như những tội ác mà ông đã gây ra nhằm củng cố nó. Tuy vậy, ông cũng tổ chức chuyến đi đến thành phố Constance thật long trọng, có dàn hộ tống bao gồm những chức sắc cao trong giáo hội và một đoàn người diễu hành lũ lượt. Phía trên đầu ông có che lọng thiếp vàng do bốn chánh án nâng lên. Bánh thánh cho quần chúng được rước đi trước ông, các hồng y giáo chủ ăn mặc sang trọng đi cùng giới quý tộc tạo nên một màn trình diễn ấn tượng. TTL 51.6
Trong lúc ấy, có một người khách khác cũng đi đến Constance. Huss chào tạm biệt bạn bè như thể ông sẽ không bao giờ được gặp họ nữa, cảm giác hành trình này đang dẫn ông đến giàn hỏa. Ông đã có giấy an toàn của vua Bohemia và một giấy khác của hoàng đế Sigismund, nhưng ông sắp đặt mọi thứ với suy nghĩ thật sự rằng có thể ông sẽ chết. TTL 51.7