TÌNH YÊU TRONG LỬA

27/282

Người nhạy bén phát hiện sai trái

Wycliffe là một người rất nhạy bén phát hiện sai trái, ông cũng không sợ đụng chạm vào những cách lạm dụng mà La Mã đã phê duyệt. Trong khi làm giáo sĩ cho vua, ông mạnh dạn đứng lên chống đối việc giáo hoàng đòi vua nước Anh phải đóng thuế. Những yêu sách từ quyền lực giáo hoàng áp đặt lên các vua thế gian là trái ngược với lý trí và sự mặc khải trong Kinh Thánh. Vì những đòi hỏi của giáo hoàng đã dấy lên lòng oán hận, nên những lời Wycliffe rao giảng đã tác động đến các nhà lãnh đạo trong nước. Vua cùng các cận thần hiệp ý nhau từ chối việc đóng thuế. TTL 42.6

Nhiều dòng tu ăn xin lan tràn khắp nước Anh đang dần dần hủy diệt sự hùng mạnh và thịnh vượng của quốc gia. Lối sống lười biếng và cảnh ăn xin của các tu sĩ không những bòn rút hết nguồn vui của mọi người, mà còn khiến cho người ta coi thường công việc có ích. Đạo đức giới trẻ bị sai lạc rồi bại hoại. Nhiều thanh niên bị kích thích dâng hiến cuộc đời họ vào dòng tu mà không cần cha mẹ cho phép, thậm chí cha mẹ còn không biết hoặc chống đối cũng mặc kệ. Như Luther sau này nhận xét là “Hành động vô nhân đạo gớm ghiếc đó mang hơi hướng của chó sói và của kẻ bạo ngược hơn là của Cơ Đốc nhân và con người”, họ đã đánh cắp tấm lòng của con cái khỏi cha mẹ chúng (Barnas Sear, The Life of Luther, page 70, 69). TTL 43.1

Thậm chí có nhiều tu sĩ đi lừa dối sinh viên trong các trường đại học để tham gia vào các dòng tu. Chỉ một lần mắc bẫy là không thể thoát ra được. Rất nhiều cha mẹ không dám cho con cái họ lên đại học nữa. Trường học giảm sút dẫn đến trình độ dân trí ngu dốt tràn lan. TTL 43.2

Giáo hoàng còn cho phép các tu sĩ được quyền nghe xưng tội và ban sự tha thứ - một nguồn tội lỗi quá lớn. Chỉ vì tham tiền mà các tu sĩ sẵn sàng ban đặc ân tha thứ cho các tội phạm tái phạm nữa, khiến cho những tội đồi bại thậm tệ nhất tăng vọt nhanh chóng. Nhiều của bố thí đáng lý ra nên đem cho những người ốm đau hoặc nghèo đói thì lại đem dâng cho các thầy tu. Ngày càng lộ rõ số lượng các tu sĩ giàu có dần dần tăng lên, nhà cửa lộng lẫy, bàn ăn sang trọng lấy từ sự gia tăng nghèo đói của đất nước. Tuy nhiên, các tu sĩ tiếp tục dựa trên thói mê tín để dẫn dắt giáo dân tin rằng tất cả bổn phận của người ngoan đạo chỉ là công nhận quyền uy tối thượng của giáo hoàng, tôn thờ các thánh và dâng hiến cho tu sĩ. Bấy nhiêu thôi là đủ để bảo đảm một chỗ ở thiên đàng! TTL 43.3

Nhờ hiểu biết sâu sắc mà Wycliffe đã đào bới cội rễ của tội ác, tuyên bố rằng hệ thống này quá sai trái và cần phải loại bỏ. Những nỗ lực của ông đã đánh thức người ta thắc mắc và tranh luận. Nhiều người bắt đầu tự hỏi liệu họ có nên tìm kiếm sự tha thứ từ Đức Chúa Trời hay từ giáo hoàng La Mã. Họ nói với nhau: “Các tu sĩ và giám mục La Mã đang ăn nuốt chúng ta giống như một khối u. Đức Chúa Trời phải giải cứu chúng ra, nếu không thì dân chúng sẽ chết mất” (J. H. Merle D’Aubigné, History of the Reformation of the Sixteen Century, book 17, chapter 7). Các tu sĩ ăn xin nói rằng họ làm theo gương Đấng Cứu Thế, ngày xưa Chúa Giê-su cùng các sứ đồ Ngài cũng nhận các của dâng từ mọi người. Biện hộ này càng khiến cho nhiều người muốn tìm kiếm Kinh Thánh để nghiên cứu lẽ thật cho bản thân họ. TTL 43.4

Wycliffe bắt đầu viết và xuất bản các truyền đạo đơn chống lại các tu sĩ, kêu gọi mọi người hướng đến những gì Kinh Thánh dạy dỗ và Tác Giả của nó. Không có cách làm nào hiệu quả hơn để ông có thể lật đổ hệ thống đồ sộ mà giáo hoàng đã dựng lên, là thứ đang kiềm kẹp hàng triệu người. TTL 43.5

Nhằm bảo vệ vương quyền của nước Anh chống lại sự xâm chiếm của La Mã, Wycliffe được cử đi làm đại sứ ở Hà Lan. Ở đây, ông tiếp cận với hàng giáo phẩm đến từ các nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha, có cơ hội chứng kiến những chuyện sau hậu trường và học hỏi được nhiều điều mà trước đây ông chưa bao giờ được biết khi còn ở nước Anh. Nhờ những người đại diện của tòa án giáo hoàng này mà ông hiểu được chân tướng của dàn lãnh đạo giáo hội. Ông trở về nước Anh để nhắc lại những lời dạy dỗ lúc trước với lòng sốt sắng nhiều hơn nữa, tuyên bố các thần của La Mã chính là thói kiêu ngạo và lừa gạt. TTL 44.1

Sau khi trở về nước Anh, nhà vua chỉ định ông làm trưởng hiệu trưởng trường Lutterworth. Điều này cam đoan rằng những lời ông thẳng thắn nói ra đã không làm vua phật ý. Sự ảnh hưởng của Wycliffe đã giúp định hình lại lòng tin kính của quốc gia. TTL 44.2

Giáo hoàng nhanh chóng nổi cơn thịnh nộ với ông, gửi khẩn ba chỉ dụ (“mật thám”) truyền lệnh ngay lập tức buộc giáo sư “đạo lạc” ấy phải câm miệng (Augustus Neander, General History of the Christian Religion and Church, period 6, section 2, part 1, paragraph 8). TTL 44.3

Ba mật thám của giáo hoàng đến, yêu cầu nước Anh bắt bỏ tù người theo dị giáo (xem Phụ lục 11). Điều đó chắc chắn là không bao lâu sau Wycliffe sẽ bị La Mã trả thù. Tuy vậy, cũng một Đức Chúa Trời từng phán với Áp-ra-ham: “Đừng sợ… Ta đây là cái thuẫn đỡ cho con” (Sáng Thế Ký 15:1), đã dang rộng vòng tay bảo vệ tôi tớ Ngài. Cái chết đã xảy ra, nhưng không phải đến với nhà Cải Chánh giáo, mà là giáo hoàng — người đã ra lệnh tiêu diệt ông. TTL 44.4

Sau cái chết của Gregory XI là cuộc bầu cử của hai giáo hoàng kình địch nhau. Bên nào cũng kêu gọi những người trung thành với ông tranh chiến với bên kia, thúc ép thi hành lệnh rủa xả thật nặng đối phương và hứa hẹn ban phần thưởng thiên đàng cho ai ủng hộ mình. Các địch thủ làm tất cả những gì họ có thể thực hiện để tấn công đối phương, nhờ vậy mà Wycliffe được thanh thản. TTL 44.5

Cuộc tranh chấp này bắt nguồn từ tất cả những bất hòa kịch liệt và tham nhũng, đã mở đường cho phong trào Cải Chánh giáo vì để lộ cho mọi người thấy chế độ giáo hoàng thật sự là gì. Wycliffe kêu gọi mọi người cân nhắc kỹ xem liệu hai giáo hoàng này có nói lên sự thật hay không, khi mà người này chê trách người kia là kẻ chống Chúa. TTL 44.6

Quyết định đem ánh sáng truyền bá khắp mọi miền của nước Anh, Wycliffe thành lập một ban truyền giáo bao gồm những người đơn sơ và nhiệt tình, họ là người yêu mến lẽ thật và mong muốn truyền bá nó ra. Những người này đi dạy dỗ ở những nơi họp chợ, khắp mọi nẻo đường từ các thành phố lớn đến làng quê; đến với những người già, đau yếu, nghèo khổ để bày ra cho họ biết tin lành trong ân điển của Đức Chúa Trời. TTL 44.7

Tại Oxford, Wycliffe rao giảng Lời Chúa trong trường đại học. Ông được trao danh hiệu “Tiến sĩ Phúc âm”. Nhưng công trình lớn nhất của cuộc đời ông là dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh, để mọi người dân Anh đều có thể đọc được những công trình tuyệt vời của Đức Chúa Trời. TTL 44.8