TÌNH YÊU TRONG LỬA
Chương 39—Thời Kỳ Hoạn Nạn
“Trong kỳ đó, Mi-ca-ên, quan trưởng lớn, là Đấng đứng thay mặt con cái dân ngươi sẽ chỗi dậy. Lúc đó sẽ có tai nạn, đến nỗi từ khi mới có nước đến kỳ đó cũng chẳng có như vậy bao giờ, trong vòng dân sự ngươi, kẻ nào được ghi trong quyển sách kia thì sẽ được cứu” (Đa-ni-ên 12:1). TTL 268.1
Khi sứ điệp thiên sứ thứ ba khép lại, dân sự Đức Chúa Trời hoàn tất sứ mạng được giao. Họ nhận “cơn mưa cuối mùa” và chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn sắp tới. Thế giới trải qua kỳ kiểm tra cuối cùng, tất cả những ai bày tỏ lòng trung thành với luật pháp thánh sẽ được nhận “dấu của Đức Chúa Trời hằng sống”. Đức Chúa Giê-su kết thúc việc cầu thay ở đền thánh trên trời và lớn tiếng thông báo: “Xong rồi!”. “Kẻ nào không công bình, cứ không công bình nữa; kẻ nào ô uế, cứ còn ô uế nữa; kẻ công bình, cứ làm điều công bình nữa; kẻ nào thánh, cứ làm nên thánh nữa!” (Khải Huyền 22:11). Đấng Christ đã cứu chuộc dân sự Ngài và xóa hết tội lỗi của họ. “Bấy giờ nước, quyền thế và sự tôn đại của muôn nước ở dưới cả trời” (Đa-ni-ên 7:27) sắp được ban cho những người hưởng cơ nghiệp cứu rỗi, còn Chúa Giê-su sẽ cai trị ở cương vị Vua muôn vua, Chúa các chúa. TTL 268.2
Khi Ngài rời khỏi đền thánh, sự tối tăm bao trùm dân cư đang sống trên đất. Người công bình phải sống trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết mà không còn Đấng cầu thay. Kẻ ác không còn bị kiềm chế nữa, Sa-tan hoàn toàn điều khiển những kẻ đã không chịu ăn năn. Bởi vì chúng liên tục chống đối Đức Thánh Linh nên cuối cùng Ngài đã lìa xa. Sau đó, Sa-tan sẽ nhấn chìm dân cư trên đất vào sự hoạn nạn khốn cùng. Các thiên sứ của Đức Chúa Trời ngưng tay, không chặn những ham mê dữ dội của kẻ ác nữa. Toàn thế gian sẽ rơi vào cảnh tàn bạo khủng khiếp hơn những gì Giê-ru-sa-lem thời xưa đã từng trải qua. Lúc bấy giờ, các thế lực thiên quốc đã sẵn sàng, chỉ còn chờ lệnh thiên thượng để hủy diệt mọi nơi. TTL 268.3
Người ta nghĩ rằng những người tôn trọng luật pháp Đức Chúa Trời là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến kinh hoàng, đẫm máu, gây sầu não cho cho trái đất. Quyền năng của lời cảnh báo cuối cùng đã chọc nọc kẻ ác, Sa-tan sẽ khuấy động lòng thù hận và bắt bớ tất cả những người tiếp nhận sứ điệp. TTL 268.4
Khi Đức Chúa Trời không còn ở cùng dân Do Thái nữa, các thầy tế lễ cùng dân sự vẫn đinh ninh rằng họ vẫn còn là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Các nghi lễ vẫn tiếp tục diễn ra trong đền thờ, hàng ngày, thầy tế lễ vẫn cầu xin ơn phước thánh giáng trên những kẻ phạm tội làm đổ huyết báu Con của Đức Chúa Trời. Tương tự như vậy, khi quyết định cuối cùng của đền thánh trên trời được ban ra và số phận của thế gian được định đoạt vĩnh viễn, thì dân cư trên đất vẫn chưa biết gì. Những người trong vòng dân sự đã bị Thánh Linh Đức Chúa Trời từ bỏ vẫn tiếp tục thực hiện các nghi thức tôn giáo. Thủ lĩnh tội ác sẽ truyền cảm hứng cho họ để đạt được những âm mưu thâm độc của hắn. TTL 268.5
Ngày Sa-bát trở thành trung tâm điểm của cuộc chiến xảy ra trong vòng Cơ Đốc nhân trên toàn thế giới, người ta kêu gọi không khoan hồng cho một nhóm người dám đứng lên phản đối yêu cầu của giáo hội và quốc gia, thà để họ phải gánh cực hình còn hơn là để cho cả nước đi vào cảnh rối loạn và vô luật pháp. Chủ trương biện luận như thế cũng đã từng áp dụng nhằm phản đối Đấng Christ. Cai-phe nói: “Các người chẳng xét rằng thà một người vì dân chịu chết, còn hơn cả nước bị hư mất” (Giăng 11:50). Lý luận này sẽ tái hiện vào thời kỳ cuối. Một sắc lệnh sẽ được ban hành nhằm chống lại những người tôn trọng ngày Sa-bát của điều răn thứ tư, kết tội họ rồi sau một thời gian sẽ cho phép dân chúng giết chết họ. Cả hai Giáo hội La Mã ở Cựu Thế giới và Giáo hội Cải Chánh ở Tân Thế giới đều sẽ hành động giống nhau nhắm đến những người giữ trọn điều răn của Đức Chúa Trời. Dân sự của Đức Chúa Trời sẽ sa vào cảnh khốn đốn như tình trạng sầu não rối loạn mà Kinh Thánh gọi là “thời kỳ hoạn nạn của Gia-cốp” (Giê-rê-mi 30:5-7; đọc Sáng thế Ký 32:24-30). TTL 268.6