TÌNH YÊU TRONG LỬA

198/282

Chương 29—Tại Sao Tội Lỗi Được Phép Xuất Hiện?

Nhiều người nhìn tội lỗi với hậu quả đau thương và mất mát, rồi thắc mắc làm sao điều này có thể tồn tại dưới sự quản trị của một Đấng Tối Cao thông sáng, toàn năng và trọn vẹn yêu thương. Những ai nghi ngờ theo chiều hướng như vậy sẽ nhanh chóng lấy chuyện này làm lý do không chấp nhận Kinh Thánh. Những lời truyền khẩu và những lối giải nghĩa sai càng tạo thêm rắc rối cho những lời Kinh Thánh chỉ dạy về bản tính của Đức Chúa Trời, tính thiện lương trong chính sách cai trị của Ngài và các nguyên tắc mà Ngài đối diện với tội lỗi. TTL 216.1

Không thể giải thích nguồn gốc tội lỗi theo cách chỉ đưa ra một lý do tại sao nó tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm hiểu đầy đủ về tội lỗi từ lúc nó bắt đầu đến khi kết thúc thì mới đủ nhận thức rõ ràng về tính công bình và tốt đẹp của Đức Chúa Trời. Không có lý luận nào buộc Đức Chúa Trời phải chịu trách nhiệm cho tội lỗi. Ngài không cất đi ân điển thánh của Ngài, cũng không có bất kỳ khiếm khuyết nào trong chính quyền thiêng liêng để có thể là nguyên nhân gây ra cuộc nổi loạn. Tội lỗi là kẻ xâm nhập và không ai có thể nêu lý do cho sự hiện diện của nó. Dung túng cho tội lỗi là bênh vực nó. Nếu chúng ta có thể tìm ra một lý do để bào chữa cho nó, thì nó sẽ không còn gọi là tội lỗi nữa. Tội lỗi là cách diễn tả của một nguyên tắc bị xung đột với luật yêu thương, mà luật yêu thương là nền tảng của chính quyền Đức Chúa Trời. TTL 216.2

Trước khi tội lỗi bắt đầu xuất hiện, không khí hòa bình và vui vẻ chan hòa toàn vũ trụ. Lòng kính yêu đối với Đức Chúa Trời là tuyệt đối, tình yêu thương đối với đồng loại là vô vị kỷ. Đấng Christ — Con Một của Đức Chúa Trời — hiệp nhất với Cha đời đời trong bản thể, tính cách và mục đích, là Đấng duy nhất có thể tham gia vào tất cả các ý định và chương trình của Đức Chúa Trời. “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời,... hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh hoặc cầm quyền” (Cô-lô-se 1:16). TTL 216.3

Kể từ khi luật pháp tình yêu trở thành nền tảng cai trị của chính phủ Đức Chúa Trời, thì niềm hạnh phúc của mọi loài thọ tạo tùy thuộc vào tinh thần sẵn sàng hợp tác với các nguyên tắc công bình của luật pháp đó hay không. Đức Chúa Trời không cảm thấy vui vẻ nếu phải ép buộc thần dân mình, Ngài rộng rãi ban quyền tự do cho mọi người để họ có thể quyết định tự nguyện hầu việc Ngài. TTL 216.4

Tuy vậy, có một tạo vật chọn cách lạm dụng quyền hạn này. Tội lỗi phát sinh trong lòng một thiên sứ chỉ đứng sau Đấng Christ, là loài thọ tạo mà Đức Chúa Trời tôn trọng nhất. Trước khi sa ngã, Lu-xi-phe từng giữ chức tổng lãnh toàn bộ các chê-ru-bim che phủ, thánh thiện và trong sáng. “Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Ngươi gồm đủ tất cả, đầy sự khôn ngoan, tốt đẹp trọn vẹn. Ngươi vốn ở trong Ê-đen, là vườn của Đức Chúa Trời. Ngươi đã có đầy mình mọi thứ ngọc báu... Ngươi là một chê-ru-bim xức dầu đương che phủ; Ta đã lập ngươi lên trên hòm núi thánh của Đức Chúa Trời; ngươi đã đi dạo giữa các hòn ngọc sáng như lửa. Đường lối ngươi được trọn vẹn từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến lúc thấy sự gian ác trong ngươi. Lòng ngươi đã kiêu ngạo vì sự đẹp ngươi, và sự vinh hiển của ngươi làm cho ngươi hư khôn ngoan mình”. “Vì lòng ngươi tự lên cao bằng lòng Đức Chúa Trời”. “Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhấc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương Bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao”. (Ê-xê-chi-ên 28:12-15, 17; 28:6; Ê-sai 14:13, 14). TTL 216.5

Thèm thuồng vinh dự của Đức Chúa Cha dành cho Đức Chúa Con, kẻ thủ lĩnh các thiên thần muốn đòi quyền hạn mà chỉ một mình Đấng Christ mới có. Tuy nhiên, lúc ấy nó là một nốt nhạc lạc điệu làm hỏng những bản hòa âm của thiên đàng. Bởi vì có kẻ tự đề cao mình trước các thiên sứ, tôn mình lên tối cao bằng vinh dự của Đức Chúa Trời, nên có một nỗi sợ hãi kỳ lạ về chuyện gì đó sai trái. Hội đồng thiên đàng cùng nhau khuyên bảo Lu-xi-phe. Đức Chúa Con chứng tỏ cho hắn thấy tính tốt đẹp và công bình của một Đấng Tạo Hóa, cũng như bản chất thánh thiện trong luật pháp Ngài. Nếu chối bỏ, nghĩa là Lu-xi-phe không tôn trọng Đấng Sáng Tạo ra hắn và cũng tự hủy hoại chính mình, nhưng lời cảnh báo ấy chỉ khuấy động tinh thần phiến loạn. Lu-xi-phe cho phép lòng ganh tỵ với Đấng Christ điều khiển hắn. TTL 217.1

Thói kiêu ngạo được nuôi dưỡng bằng lòng thèm khát quyền lực tối cao. Những vinh dự cao trọng mà Đức Chúa Trời ban cho Lu-xi-phe không làm cho hắn cảm thấy mang ơn Đấng Tạo Hóa. Hắn muốn được bình đẳng với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng Đức Chúa Con mới chính là Đấng Cai Trị thiên đàng, có năng lực và quyền thế như Đức Chúa Cha. Đấng Christ cùng thảo luận với Đức Chúa Trời trong tất cả các hội nghị, nhưng Lu-xi-phe không được phép tham dự vào việc thiết lập các kế hoạch thiêng liêng. Thiên sứ quyền năng này tự hỏi: “Tại sao Christ có quyền tối cao? Tại sao Ngài được tôn trọng hơn Lu-xi-phe?”. TTL 217.2