TÌNH YÊU TRONG LỬA
Chương 2—Những Cơ Đốc Nhân Đầu Tiên Trung Thành Và Chân Chính
Đức Chúa Giê-su nói trước cho các sứ đồ biết những chuyện dân sự Ngài sẽ phải trải qua tính từ khi Ngài thăng thiên đến lúc Ngài tái lâm bằng quyền năng và vinh hiển. Nhìn thấu tương lai, Ngài thấy nhiều cơn cuồng phong ập xuống những môn đồ Ngài suốt các thời kỳ bị bức hại (xem Ma-thi-ơ 24:9, 21, 22). Các môn đồ đi theo Ngài sẽ phải bước trên cùng một con đường bị kết án và đau đớn mà Thầy họ đã phải trải qua. Sự trả thù mà Đấng Giải Cứu thế gian đã từng phải gánh chịu cũng sẽ tái hiện với tất cả những người nào tin theo danh Ngài. TTL 25.1
Ngoại giáo đoán trước rằng nếu tin lành chiến thắng thì những đền đài cùng bàn thờ của nó sẽ bị kéo sập. Chính vì lý do này mà nó đổ dồn sức mạnh để đốt lên những ngọn lửa hành hạ. Các Cơ Đốc nhân bị tịch thu hết tài sản rồi bị đuổi ra khỏi nhà. Đa số dân sự đều bị giết chết không thương tiếc, bất kể tầng lớp thượng lưu cũng như nô lệ, giàu cũng như nghèo, tri thức cũng như thất học. TTL 25.2
Những cuộc bức hại bắt đầu dưới đế chế Nero và kéo dài suốt nhiều thế kỷ sau đó. Các Cơ Đốc nhân bị vu khống rằng họ là nguyên nhân của những nạn đói kém, bệnh dịch và động đất. Vì tiền, nhiều kẻ làm chứng dối đã phản bội người vô tội, cáo gian họ là những kẻ phản loạn và gây rắc rối cho xã hội. Phần đông Cơ Đốc nhân bị ném cho thú dữ ăn thịt, hoặc bị thiêu sống trong các hí trường. Một số bị đóng đinh trên thập tự; số khác bị bọc bằng da thú dữ rồi ném vào đấu trường cho chó xé thây. Tại các lễ hội công cộng, nhiều đám đông tụ tập cổ vũ, khoái trá cười nhạo và vỗ tay chứng kiến cảnh giẫy chết của những Cơ Đốc nhân trong cơn hấp hối. TTL 25.3
Người theo Đấng Christ bị ép buộc phải lẩn trốn ở những nơi vắng vẻ. Dưới những ngọn đồi bên ngoài thành La Mã, đường hầm chằng chịt dưới lòng đất và hang đá chạy dài hàng dặm dẫn ra phía bên kia các bức tường thành. Trong những hầm trú ẩn dưới lòng đất này, các môn đồ Đấng Christ cũng phải chôn những người thân của họ. Nơi này cũng là chốn nương thân khi họ bị cấm đoán. Nhiều người nhớ lời nói của Đức Thầy rằng khi nào sự bắt bớ xảy đến vì danh Đấng Christ thì đó sẽ là cớ để họ vui mừng. Phần thưởng cho họ ở thiên đàng sẽ rất lớn, vì họ cũng bị hành hạ giống như các đấng tiên tri trước họ như vậy (xem Ma-thi-ơ 5:11, 12). TTL 25.4
Những bài ca chiến thắng vang lên giữa tiếng củi nổ lốp bốp của dàn hỏa thiêu. Bởi đức tin, những người tử vì đạo đã nhìn thấy Đấng Christ cùng các thiên sứ chăm chú nhìn họ với lòng cảm thông sâu sắc và tán thành tinh thần kiên định của họ. Một giọng nói phát ra từ ngôi Đức Chúa Trời: “Hãy trung tín cho đến chết, rồi Ta sẽ ban cho con mão triều thiên của sự sống” (Khải Huyền 2:10). TTL 25.5
Mọi cố gắng của Sa-tan nhằm hủy diệt hội thánh Đấng Christ bằng bạo lực đã trở nên vô hiệu. Hắn có thể giết chết những người hầu việc Chúa, nhưng phúc âm vẫn tiếp tục lan truyền và những người tin theo ngày càng tăng thêm. Có một tín đồ nói rằng: “Các ông càng thường xuyên hạ gục chúng tôi xuống, thì số người tin đạo càng phát triển thêm lên; vì huyết của những Cơ Đốc nhân chính là hạt giống!”. (Tertullian, Apology, paragraph 50). TTL 25.6
Vì lý do này mà Sa-tan đành lập kế hoạch tác chiến khác để gặt hái nhiều thành công hơn trong việc chống lại Đức Chúa Trời, đó là gieo triết lý sống của riêng hắn vào hội thánh Đấng Christ, rồi gặt hái thắng lợi bằng cách lừa gạt thay vì bằng bạo lực mà hắn đã nghĩ sai. Bạo lực chấm dứt. Thay vào đó là sự cám dỗ của tiền tài, danh vọng. Những kẻ thờ lạy thần tượng bắt đầu tin nhận một phần đức tin Cơ Đốc, nhưng lại không chấp nhận một vài lẽ thật căn bản. Họ tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su, nhưng họ không nhận thấy tội lỗi và cảm thấy không cần ăn năn hoặc cần thay đổi lòng mình. Họ nhượng bộ vài điều, rồi đề xuất rằng Cơ Đốc nhân cũng nên biết thỏa hiệp, để cho tất cả có thể đoàn kết với nhau dựa trên cương lĩnh của “niềm tin Cơ Đốc”. TTL 26.1
Lúc bấy giờ, hội thánh rơi vào tình trạng nguy nan kinh khủng. Tù tội, tra khảo, thiêu sống, hay gươm đao lại là những ơn phước, còn hơn là thứ này! Một số Cơ Đốc nhân vẫn trung kiên. Còn số khác thì ủng hộ việc sửa đổi đức tin. Dưới lốt áo giả vờ Cơ Đốc nhân, Sa-tan len lỏi vào hội thánh để xui khiến đức tin sai lạc. TTL 26.2
Cuối cùng, đa số Cơ Đốc nhân đồng ý hạ thấp tiêu chuẩn. Họ thiết lập một liên minh giữa Cơ Đốc giáo và ngoại giáo. Mặc dù những kẻ thờ lạy thần tượng bày tỏ sự hợp nhất với hội thánh, nhưng họ vẫn tiếp tục thờ thần tượng. Đơn giản là họ chỉ thay đổi các vật tôn thờ sang hình tượng Chúa Giê-su, thậm chí là bà Ma-ri cùng các thánh. Những giáo lý giả, nghi thức mê tín, nghi lễ thờ hình tượng trở thành một phần của niềm tin và thờ phượng trong hội thánh. Cơ Đốc giáo bị ô uế, hội thánh bị mất sự tinh khiết và quyền năng. Tuy nhiên, có một số người không bị mê muội. Họ vẫn duy trì lòng trung thành trọn vẹn vào Đấng Sáng tạo của lẽ thật. TTL 26.3