TÌNH YÊU TRONG LỬA
Sách Khải Huyền mở ra ở Bengel
Tại Bengel nước Đức, một mục sư giáo hội Luther và cũng là một học giả Kinh Thánh đã rao giảng giáo lý về sự tái lâm hầu đến của Đấng Christ. Trong khi ông đang soạn bài giảng về sách Khải Huyền đoạn 21, ánh sáng về Đấng Christ tái lâm đã rọi vào tâm trí ông, những lời tiên tri của Khải Huyền đã soi sáng cho ông thêm sự hiểu biết. Ông bị choáng ngợp trước ý nghĩa quan trọng và vinh hiển mà tiên tri mô tả đến mức ông phải ngưng đề tài đó một thời gian. Một lần nọ, khi đang đứng trên tòa giảng, đề tài đó lại tái hiện trong thần trí ông một cách mạnh mẽ. Từ đó trở đi, ông dốc lòng nghiên cứu các lời tiên tri và không bao lâu sau ông tin chắc chắn rằng thời kỳ Đấng Christ tái lâm đã rất gần. Ngày ông xác minh thời gian Chúa tái lâm chỉ cách khoảng vài năm so với ngày mà Miller ấn định sau đó. TTL 162.5
Những tác phẩm của Bengel được phát hành rộng rãi ngay chính quê nhà ông ở Würtemberg và một số vùng khác ở nước Đức. Người dân Đức được nghe nói về sứ điệp phục lâm cùng thời gian khi nó đang thu hút sự quan tâm của công chúng tại nhiều nước khác. TTL 162.6
Tại Geneva — Thụy Sĩ, Gaussen đã rao giảng Sứ điệp phục lâm. Khi bắt đầu chức vụ, ông vẫn còn hoài nghi. Thời trai trẻ, ông đã từng chú tâm đến các lời tiên tri. Đến khi đọc quyển Ancient History (Lịch sử Cổ đại) của Rollin, ông lưu ý Đa-ni-ên đoạn 2. Ông cho rằng bằng cách nào đó lời tiên tri được ứng nghiệm một cách chính xác. Đây là một dấu hiệu cho thấy Kinh Thánh được soi dẫn. Ông không cảm thấy thỏa lòng với chủ nghĩa duy lý, nên sau khi nghiên cứu thêm Kinh Thánh, ông đã tìm được đức tin rõ ràng hơn. TTL 163.1
Ông đạt đến niềm tin rằng ngày Chúa tái lâm gần kề. Cảm động với lẽ thật quan trọng này, ông muốn trình bày điều đó cho mọi người. Tuy nhiên, có một trở ngại vô cùng lớn đó là niềm tin phổ biến thời ấy cho rằng không ai có thể hiểu nổi các lời tiên tri của Đa-ni-ên. Nhớ lại cách Farel đã truyền giảng ở Geneva, cuối cùng ông quyết định bắt đầu với các em thiếu nhi, hy vọng cha mẹ chúng sẽ quan tâm đến sứ điệp thông qua các em. Ông nói: “Tôi tập họp một nhóm khán giả trẻ con; nếu nhóm này đông lên và thấy chúng chịu lắng nghe, hài lòng, quan tâm nghĩa là chúng hiểu và giải thích được đề tài, thì chắc chắn sẽ có nhóm thứ hai. Đến một lúc nào đó, người lớn sẽ thấy điều đó đáng để họ dành thời gian ngồi xuống và học hỏi. Khi chuyện này diễn ra nghĩa là mục đích chung đã thành công”. (L. Gaussen, Daniel the Prophet, volume 2, preface) TTL 163.2
Khi ông giảng cho đám trẻ con thì nhiều người lớn cũng đến nghe. Các dãy ghế trong nhà thờ đầy kín khán thính giả của mọi tầng lớp có tước vị lẫn học thức, bao gồm cả khách lạ và người ngoại quốc đến Geneva du lịch. Nhờ đó mà sứ điệp được họ chia sẻ đến nhiều nơi khác nữa. TTL 163.3
Cảm thấy vô cùng khích lệ, Gaussen xuất bản các bài giảng của ông với hy vọng cung cấp thêm sự hiểu biết về các sách tiên tri. Sau đó, ông trở thành giảng viên của một trường thần học, đồng thời vẫn tiếp tục việc dạy giáo lý cho thiếu nhi và hướng dẫn chúng về Kinh Thánh. Với chức vụ giảng viên, thông qua báo chí và chức danh thầy dạy đạo cho trẻ em, suốt nhiều năm liền, ông là công cụ kêu gọi mọi người hãy chú ý đến các lời tiên tri bày tỏ việc Chúa tái lâm gần đến. TTL 163.4