TÌNH YÊU TRONG LỬA

134/282

Xảy ra cùng một lúc ở nhiều nước khác nhau

Giống như cuộc cải chánh ở thế kỷ thứ mười sáu, phong trào phục lâm xuất hiện cùng lúc ở nhiều nước khác nhau. Chúa dẫn dắt những người trung thành nghiên cứu các lời tiên tri, nên họ nhìn thấy bằng chứng thuyết phục về ngày cuối cùng đã cận kề. Chỉ qua việc nghiên cứu Kinh Thánh, nhiều nhóm Cơ Đốc nhân riêng biệt lại cùng nhau có một lòng tin chung về sự kiện Đấng Cứu Thế sắp trở lại. TTL 159.6

Ba năm sau khi Miller nhận biết được các lời tiên tri, tiến sĩ Joseph Wolff, “nhà truyền giáo cho thế giới”, khởi sự rao giảng về ngày Chúa sắp tái lâm. Ông được sinh ra tại nước Đức, cha mẹ là người Hê-bơ-rơ, từ nhỏ ông đã tin về lẽ thật của Cơ Đốc giáo. Ông háo hức lắng nghe những cuộc đàm thoại trong nhà cha mình khi những người Hê-bơ-rơ sùng đạo cùng bàn luận về những niềm hy vọng, về vinh quang của Đấng Mê-si gần đến và sự phục hồi đất nước Y-sơ-ra-ên. Một ngày nọ, khi nghe đề cập danh Giê-su thành Na-za-rét, cậu bé liền hỏi người ấy là ai. Cha cậu bé trả lời: “Là một người Giu-đa có năng lực vĩ đại nhất, nhưng vì ông tự xưng là Đấng Mê-si nên bị tòa Công luận xử tử”. TTL 160.1

Cậu bé hỏi tiếp: “Tại sao phải hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem? Tại sao chúng ta bị tha hương”. TTL 160.2

Cha ông đáp: “Than ôi! Than ôi! Vì dân Do Thái đã giết các đấng tiên tri”. Ý nghĩ liền vụt qua đầu cậu bé: “Biết đâu Giê-su cũng là một đấng tiên tri mà bị dân Do Thái giết chết trong khi Ngài vô tội”. Mặc dù bị cấm không được phép vào nhà thờ Cơ Đốc giáo, nhưng cậu bé thường lãng vãng ở bên ngoài để nghe giảng. Khi lên bảy tuổi, cậu bé khoe với một người Cơ Đốc nhân hàng xóm về tương lai huy hoàng của Y-sơ-ra-ên khi Đấng Mê-si đến. Người hàng xóm già nhẹ nhàng bảo: “Con ơi, ông sẽ nói cho con biết Đấng Mê-si thật là ai. Ngài là Giê-su thành Na-za-rét,... là người đã bị tổ tiên con đóng đinh trên thập tự... Hãy hãy về nhà đọc sách tiên tri Ê-sai đoạn 53, con sẽ thấy Chúa Giê-su Christ là Con Đức Chúa Trời”. Travels and Adventues of the Rev. Joseph Wolff, volume 1, pages 6, 7 ) TTL 160.3

Cậu bé liền về nhà đọc Kinh Thánh, ngạc nhiên nhận thấy lời tiên tri ứng nghiệm hoàn toàn trong Giê-su người Na-za-rét. Chẳng lẽ lời người Cơ Đốc giáo đó nói là thật? Cậu bé xin cha giải thích lời tiên tri ấy, nhưng đáp lại là thái độ im lặng lạnh lùng đến mức cậu bé không bao giờ dám đề cập đến chủ đề này nữa. TTL 160.4

Khi mới mười một tuổi, cậu bé bỏ nhà đi bụi để tìm cho mình một đường lối giáo dục, được tư do chọn lựa tín ngưỡng và nghề nghiệp riêng. Đơn độc, không tiền bạc, cậu phải tự mình bươn chải tìm kế sinh nhai. Cậu chăm chỉ học hành, đi dạy tiếng Hê-bơ-rơ để kiếm sống. Cậu tiếp nhận đức tin Công Giáo, rồi đi đến quyết định là chọn học tại Trường Đại học Propaganda ở La Mã. Trong trường, cậu thường phản đối những trò lợi dụng của hội thánh và hối thúc nhà trường cải cách. Một thời gian sau, cậu bị trục xuất khỏi La Mã. Thật hiển nhiên là cậu có thể không bao giờ chịu phục tùng nguyên tắc của Công Giáo La Mã. Họ tuyên bố không còn hy vọng gì ở thằng này nên bỏ mặc nó muốn đi đâu tùy ý. Cậu tìm đến nước Anh rồi gia nhập Hội thánh Anh quốc. Sau hai năm nghiên cứu, đến năm 1821, cậu dâng hiến đời mình cho sứ mạng. TTL 160.5

Wolff nhận thấy các đấng tiên tri đã nói về Đấng Christ sẽ tái lâm bằng uy quyền và vinh hiển. Trong khi ông dẫn dắt dân sự mình đến với Đấng Christ thành Na-za-rét là Đấng duy nhất của Lời hứa, ông cũng chỉ cho họ biết lần thứ nhất Ngài đến để hy sinh cho tội lỗi. Bên cạnh đó, ông cũng dạy dỗ mọi người về việc Ngài sẽ tái lâm. TTL 160.6

Wolff tin rằng ngày Chúa tái lâm đang gần kề. Theo giải nghĩa của ông về thời kỳ tiên tri thì ngày đó sẽ xảy ra trong vài năm tới giống như Miller đã nói. “Há Ngài chẳng cho chúng ta những dấu của thời kỳ để tỏ cho chúng ta biết ngày ấy gần đến, cũng như khi cây ra lá thì ta biết mùa hạ gần đến? Chúa có nói, chúng ta sẽ biết đủ dấu của thời kỳ để dọn mình cho ngày Chúa đến, như khi xưa Nô-ê sửa soạn chiếc tàu”. (Joseph Wolff, Researches and Missionary Labors, pages 404, 405) TTL 160.7