TÌNH YÊU TRONG LỬA
So sánh sứ điệp của các sứ đồ với thông điệp năm 1844
Kinh nghiệm của các sứ đồ về việc Đấng Christ đến lần thứ nhất cũng giống hệt như kinh nghiệm của những người loan báo Ngài sẽ đến lần thứ hai. Khi các sứ đồ rao giảng: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã gần”, thì Miller và các cộng sự của ông cũng loan báo rằng thời kỳ tiên tri cuối cùng trong Kinh Thánh sắp mãn, ngày phán xét gần đến và nước đời đời sắp được thiết lập. Lời rao giảng của các sứ đồ về thời kỳ này dựa vào bảy mươi tuần lễ trong Đa-ni-ên 9. Sứ điệp mà Miller và các bạn cũng rao truyền về việc kết thúc 2300 ngày trong Đa-ni-ên 8:14 bao gồm một phần là bảy mươi tuần lễ. Mỗi sứ điệp đều căn cứ trên việc ứng nghiệm một phần khác nhau của cùng một lời tiên tri. TTL 156.4
Giống như các sứ đồ đầu tiên, William Miller và các bạn đồng công đã không hiểu hết sứ điệp mà họ chia sẻ. Những sai lầm của hội thánh đã hình thành từ lâu khiến họ không giải nghĩa trọn vẹn mấu chốt quan trọng của lời tiên tri. Chính vì vậy, dù họ rao truyền sứ điệp mà Đức Chúa Trời giao phó, nhưng vì chuyện hiểu nhầm ý nghĩa của nó mà họ phải trải qua nỗi thất vọng lớn lao. TTL 157.1
Miller áp dụng quan điểm phổ biến dạy rằng trái đất là “đền thánh” nên ông tin việc “làm sạch đền thánh” là làm sạch trái đất bằng lửa khi Chúa Giê-su trở lại. Vì vậy, ông kết luận việc chấm dứt 2300 ngày là tiết lộ thời kỳ Chúa tái lâm. TTL 157.2
Việc làm sạch đền thánh là nhiệm vụ cuối cùng của thầy tế lễ thượng phẩm trong bổn phận phục vụ thờ phượng hàng năm. Đó là kết thúc công việc chuộc tội, tức là dẹp bỏ tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên. Việc này chỉ về công việc cuối cùng của Thầy Tế lễ Thượng phẩm trên trời, là loại trừ hoặc tẩy sạch tội lỗi của dân sự Ngài, những tội đã bị ghi trong các sách trên trời. Công việc này liên quan đến điều tra (một nhiệm vụ trước khi phán xét) chỉ diễn ra trước khi Đấng Christ tái lâm trên mây trời, vì khi Ngài đến thì mọi trường hợp đều đã được quyết định. Chúa Giê-su nói: “Ta đến đem phần thưởng theo với Ta, để trả cho mọi người tùy theo công việc họ làm” (Khải Huyền 22:12). Đó là công việc phán xét mà sứ điệp thiên sứ thứ nhất trong Khải Huyền 14:7 rao báo: “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến”. TTL 157.3
Những người rao truyền sứ điệp này thì đã rao truyền đúng sứ điệp và đúng thời điểm. Tuy nhiên, giống như các sứ đồ bị hiểu lầm về vương quốc được thiết lập vào cuối “bảy mươi tuần lễ”, những tín đồ Phục Lâm cũng nghĩ rằng biến cố sẽ xảy ra khi mãn thời kỳ “2300 ngày”. Trong cả hai trường hợp, những lối hiểu sai phổ biến đã làm lu mờ tâm trí về lẽ thật. Cả hai nhóm người đều làm trọn ý muốn của Đức Chúa Trời trong việc rao báo sứ điệp mà Ngài muốn ban cho, nhưng cả hai cũng phải nếm trải sự thất vọng vì hiểu sai sứ điệp mà họ nhận. TTL 157.4
Tuy vậy, Đức Chúa Trời cũng đạt được ý định Ngài trong việc cho phép giảng sứ điệp cảnh báo về sự phán xét như họ đã rao truyền. Trong kế hoạch của Ngài, sứ điệp dùng để kiểm tra và làm sạch hội thánh. Lòng họ đặt ở thế gian này hay ở trong Đấng Christ và thiên đàng? Họ có sẵn sàng từ bỏ những tham vọng đời này để đón mừng Chúa của họ tái lâm không? TTL 157.5
Nỗi thất vọng cũng khảo nghiệm tấm lòng của những người tự xưng là đã nhận lãnh lời cảnh báo. Khi phải chịu đựng sự khinh rẻ của thế gian và bị thử nghiệm về sự chậm trễ lẫn nỗi thất vọng, liệu họ có vội vàng từ bỏ kinh nghiệm của mình và loại bỏ luôn lòng tin cậy vào Lời Chúa không? Nếu vì không hiểu ngay đường lối của Chúa, liệu họ có từ chối các lẽ thật đã được chứng minh rõ ràng bằng Lời Ngài không? TTL 157.6
Sự thử nghiệm này dạy họ về sự nguy hiểm của việc chấp nhận những lối giải thích của loài người thay vì để Kinh Thánh tự giải nghĩa Kinh Thánh. Nó dẫn dắt con cái trung tín nghiên cứu sâu hơn về Lời Chúa, khảo sát kỹ hơn nền tảng đức tin của họ và từ bỏ mọi điều không căn cứ trên Kinh Thánh, cho dù những điều đó được đa số tín đồ Cơ Đốc chấp nhận. TTL 157.7
Điều gì có vẻ như khó hiểu trong thời gian bị thử thách sẽ được làm sáng tỏ. Bất kể sự thử thách là do lỗi lầm của họ, họ cũng sẽ được nhận bài học kinh nghiệm ơn phước từ Chúa “rất nhân từ và thương xót”, mọi đường lối của Ngài “là nhân từ và thành tín cho những người giữ giao ước và lời chứng của Ngài” (Gia-cơ 5:11; Thi Thiên 25:10). TTL 157.8