TÌNH YÊU TRONG LỬA

130/282

“Thời kỳ đã trọn”

Đấng Christ đã sai họ đi với sứ điệp: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo tin lành” (Mác 1:15). Sứ điệp này dựa trên lời tiên tri của Đa-ni-ên đoạn 9. Sáu mươi chín tuần lễ kéo dài đến “Đấng Mê-si là Vua”, nên các sứ đồ trông chờ Đấng Mê-si thiết lập vương quốc tại Giê-ru-sa-lem để cai trị toàn thế giới. TTL 154.5

Họ đi rao giảng sứ điệp mà Chúa Giê-su giao phó, mặc dù họ hiểu nhầm ý nghĩa sứ điệp đó. Trong khi lời tuyên bố của họ căn cứ trên Đa-ni-ên 9:25, họ cũng không nhìn thấy ngay trong câu tiếp theo là Đấng Mê-si sẽ “bị trừ đi”. Họ đã bị gieo vào lòng tư tưởng về vinh quang của một đế chế ở trần thế nên điều này làm lu mờ lý trí. Vào thời điểm họ hy vọng nhìn thấy Chúa mình lên ngôi Đa-vít, thì họ lại chứng kiến Ngài bị bắt giữ, bị đánh đập, bị nhiếc móc, bị kết án, rồi bị treo lên thập hình. Lòng các sứ đồ quặn thắt vì tan vỡ và sầu não biết bao! TTL 155.1

Đấng Christ đã đến đúng thời điểm đã báo trước. Kinh Thánh ứng nghiệm đến từng chi tiết. Lời Chúa và Thánh linh Đức Chúa Trời đã xác nhận chức vụ thiêng liêng của Con Ngài. Tuy vậy, tâm trí các sứ đồ vẫn bị hoang mang bối rối vì lòng nghi ngờ. Nếu như Chúa Giê-su thật sự là Đấng Mê-si, thì tại sao họ phải chịu đau buồn và thất vọng lớn thế này? Đây là câu hỏi dằn xé tâm trí họ trong suốt những giờ tuyệt vọng của ngày Sa-bát ấy (thời gian từ khi Ngài chết cho đến lúc sống lại). TTL 155.2

Mặc dầu vậy, Đức Chúa Trời không bỏ rơi họ. “Dầu trong nơi tối tăm, Đức Giê-hô-va sẽ làm sự sáng cho ta... Ngài sẽ dắt ta đến sự sáng và ta sẽ thấy sự công bình của Ngài”. “Ánh sáng soi nơi tối tăm cho người ngay thẳng”. “Ta sẽ đổi bóng tối trước mặt họ ra ánh sáng, nơi cong quẹo ra ngay thẳng. Thật, Ta sẽ làm các sự đó và không lìa bỏ chúng nó đâu” (Mi-chê 7:8, 9; Thi Thiên 112:4; Ê-sai 42:16). TTL 155.3

Lời các sứ đồ rao giảng rất chính xác: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần”. Khi “thời kỳ” mãn hạn (sáu mươi chín tuần lễ trong Đa-ni-ên 9 cho đến Đấng Mê-si là “Đấng chịu xức dầu”), Đấng Christ chịu xức dầu bởi Thánh Linh sau khi Giăng Báp-tít làm phép báp-têm cho Ngài. “Nước Đức Chúa Trời” không phải là đế quốc ở thế gian như họ từng được dạy dỗ và tin tưởng. Cũng không phải là một nước trong tương lai, vương quốc bất diệt mà “hết thảy các quyền thế đều hầu việc và vâng lời Ngài” (Đa-ni-ên 7:27). TTL 155.4

“Nước Đức Chúa Trời” được diễn tả theo cả hai nghĩa là nước ân điển và nước vinh hiển. Sứ đồ nói: “Chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và được ơn” (Hê-bơ-rơ 4:16). Sự tồn tại của một ngôi chỉ về sự tồn tại của một nước. Đấng Christ dùng lối diễn đạt “nước thiên đàng” để chỉ định rõ công việc của ân điển trong lòng nhân loại. Vì vậy, ngôi vinh hiển diễn tả nước vinh hiển (Ma-thi-ơ 25:31, 32). Nước này vẫn còn ở tương lai. Nó sẽ không được thiết lập cho đến khi Đấng Christ tái lâm. TTL 155.5

Khi Đấng Christ từ bỏ sự sống mình và thốt lên: “Mọi sự đã được trọn”, Ngài hoàn thành lời hứa cứu chuộc đã thiết lập với hai tội nhân trong vườn Ê-đen. Nước ân điển (đã tồn tại trước bởi lời hứa của Đức Chúa Trời) đến bấy giờ mới được thành lập. TTL 155.6

Bằng cách này, sự chết của Đấng Christ là sự kiện mà các sứ đồ từng nghĩ đã làm tiêu tan niềm hy vọng của họ, giờ đây mới thật sự làm cho hy vọng chắc chắn đời đời. Trong khi sự chết của Ngài khiến họ thất vọng tột cùng, thì lại là bằng chứng xác định đức tin của họ là đúng đắn. Biến cố làm sứ đồ chìm đắm trong sầu khổ đã mở cánh cổng hy vọng cho tất cả những người trung thành với Đức Chúa Trời ở mọi thời đại. TTL 155.7

Trộn lẫn với vàng ròng (tình yêu của các sứ đồ dành cho Chúa Giê-su) là thứ kim loại rẻ tiền của những tham vọng nhỏ nhen, ích kỷ. Họ chỉ quan tâm đến ngôi vị, mão triều và danh dự. Lòng tự cao và thèm khát vinh hiển thế gian đã khiến họ không còn chú ý đến những lời của Đấng Cứu Thế bày tỏ về lẽ thật tự nhiên trong vương quốc Ngài và nói thẳng về cái chết của Ngài. Những sai lầm ấy dẫn đến sự thử thách nặng nề mà Đức Chúa Trời cho phép xảy ra nhằm mục đích sửa chữa họ. Đức Chúa Trời đã giao các sứ đồ bổn phận đi rao truyền phúc âm vinh hiển về việc Chúa đã sống lại. Muốn sẵn sàng cho nhiệm vụ này, Ngài phải để họ trải qua kinh nghiệm dường như rất đắng cay. TTL 155.8

Sau khi phục sinh, Chúa Giê-su hiện ra với sứ đồ Ngài trên đường đến làng Em-ma-út và “cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh”. Ngài muốn buộc chặt đức tin họ với “lời của các đấng tiên tri là lời vững chắc” (Lu-ca 24:27; 2 Phi-e-rơ 1:19), không chỉ bởi lời chứng cá nhân Ngài, mà còn bởi các lời tiên tri trong Cựu Ước. Ngay từ lúc bắt đầu ban cho họ kiến thức này, Chúa Giê-su đã hướng dẫn hai sứ đồ về “Môi-se và các tiên tri” trong Kinh Thánh Cựu Ước. TTL 156.1