TÌNH YÊU TRONG LỬA
Miller tìm được một người bạn
Ông kể: “Đột nhiên, tính cách của Đấng Cứu Thế xuất hiện trong tâm trí tôi. Hình như vì bản tính tốt đẹp và lòng trắc ẩn mà Ngài lấy chính thân mình chuộc tội cho chúng ta, để nhờ đó mà cứu vớt chúng ta thoát khỏi kết cục đau khổ vì tội lỗi...”. Nhưng thắc mắc khác hiện lên: “Làm sao chúng ta có thể chứng minh Đấng ấy đang tồn tại? Đặt Kinh Thánh sang một bên, tôi phát hiện rằng tôi không tìm được bất cứ bằng chứng nào về sự hiện hữu của một Đấng Cứu Thế như vậy, hay về cuộc sống ở tương lai”... TTL 144.1
“Tôi nhận thấy rằng chỉ có Kinh Thánh mới kể cho tôi biết về kiểu mẫu Đấng Cứu Thế mà tôi đang cần. Tôi rơi vào tình trạng bối rối không hiểu vì sao một quyển sách không được soi dẫn lại có thể nêu lên những nguyên tắc hoàn hảo đến mức thích hợp với nhu cầu của thế giới sa ngã. Tôi buộc lòng công nhận rằng Kinh Thánh phải có sự khải thị từ Đức Chúa Trời. Kinh Thánh trở thành niềm say mê của tôi và Đức Chúa Giê-su là người bạn của tôi. Đối với tôi, Đấng Cứu Thế trở nên Người đứng đầu trong số mười ngàn người. Trước kia, Kinh Thánh với tôi dường như lu mờ và mâu thuẫn, giờ đây trở thành ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi... Tôi tìm thấy Đức Chúa Trời là Vầng Đá sừng sững giữa biển đời mênh mông. Từ đó, Kinh Thánh là môn nghiên cứu chính của tôi. Tôi có thể thật lòng nói rằng tôi đã tìm thấy nguồn vui thỏa vô cùng lớn ở trong ấy... Tôi tự hỏi tại sao hồi trước tôi không nhận thấy được vẻ đẹp và vinh hiển của Kinh Thánh. Tôi ngạc nhiên vì mình từng có lúc xao lãng nó... Tôi dẹp hết mọi ao ước đọc những thứ khác, chỉ chuyên tâm tìm kiếm sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời”. (S. Bliss, Memoirs of William Miller, page 65 — 67 ) TTL 144.2
Miller công khai tuyên xưng đức tin, nhưng những người bạn vô tín của ông đã lặp lại những lập luận do chính ông từng sử dụng để chống đối Kinh Thánh. Ông lý luận rằng nếu Kinh Thánh là sự khải thị của Đức Chúa Trời thì nó phải tự nhất quán với chính nó. Ông quyết định nghiên cứu Kinh Thánh để tìm xem liệu các phần mâu thuẫn đó có phù hợp với nhau không. TTL 144.3
Dẹp bỏ mọi lời bình phẩm qua một bên, ông so sánh các câu Kinh Thánh có liên quan với nhau bằng các lời chú giải bên lề và sách liệt kê Kinh Thánh. Bắt đầu từ Sáng Thế Ký, đọc từng câu từng câu, khi nào phát hiện có điều gì không rõ thì ông so sánh nó với những đoạn khác có vẻ đề cập cùng chủ đề. Ông cho phép mỗi chữ đều có sự ảnh hưởng của nó trong câu. Vì vậy, mỗi khi ông đọc qua đoạn nào khó hiểu, thì ông tìm kiếm sự giải thích ở những phần khác trong Kinh Thánh. Lần nào nghiên cứu, ông cũng khẩn thiết cầu nguyện xin Chúa mở mang tâm trí, nên ông kinh nghiệm được lẽ thật trong từng chữ của tác giả Thi thiên: “Sự giải bày Lời Chúa soi sáng cho, ban sự thông hiểu cho người thật thà” (Thi Thiên 119:130). TTL 144.4
Ông lưu tâm sâu sắc đến sách Đa-ni-ên và Khải Huyền, phát hiện ra rằng các dấu hiệu tiên tri đều có thể hiểu được. Ông thấy tất cả các biểu tượng, hình bóng, ví dụ... đều được giải thích, nếu không ở ngay trong đoạn đó thì cũng rõ ràng ở các đoạn Kinh Thánh khác và nên hiểu theo nghĩa đen. Ông phát hiện ra từng mắc xích này đến mắc xích khác của sợi xích lẽ thật, rất xứng đáng với mọi nỗ lực của ông. Từng bước, từng bước một, ông hiểu được ý nghĩa của các lời tiên tri vĩ đại trong Kinh Thánh. Các thiên sứ thánh dẫn dắt tâm trí ông. TTL 144.5
Ông cảm thấy thỏa lòng khám phá ra Lời Chúa không dạy bất cứ điều gì về quan điểm phổ biến rằng sẽ có sự cai trị một ngàn năm dưới thế gian trước ngày tận thế. Đạo lý này (nói về một ngàn năm công bình và bình an trước khi Chúa tái lâm) đi ngược lại những sự dạy dỗ của Đấng Christ và các sứ đồ, là những người dạy rằng lúa mì và cỏ lùn cùng nhau phát triển cho đến kỳ thu hoạch (ngày tận thế) và “những người hung ác, kẻ giả mạo thì càng chìm đắm luôn trong điều dữ” (2 Ti-mô-thê 3:13). TTL 144.6