Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Vài người trung thành với Đa-vít trong cơn khủng hoảng
Đoàn người dừng lại. “Ở đó cũng có Xa-đốc và hết thảy người Lê-vi khiêng hòm giao ước của Đức Chúa Trời”. Đối với dân sự và Đa-vít, sự hiện diện của biểu tượng thánh này là một lời hứa giải phóng, khải hoàn. Nếu Giê-ru-sa-lem không có nó sẽ là nỗi khiếp sợ cho những ai đi theo Áp-sa-lôm. KTS 372.1
Vừa nhìn thấy hòm giao ước, một chút vui mừng lẫn hy vọng lóe lên trong lòng Đa-vít, nhưng vội vụt tắt. Trong suy nghĩ của ông, vinh quang của Chúa và sự tốt đẹp cho toàn dân là điều quan trọng nhất, đó là lý do ông được chỉ định cai trị di sản của Đức Chúa Trời. Chúa đã phán về Giê-ru-sa-lem: “Đây là nơi Ta an nghỉ đời đời” (Thi Thiên 132:14), cho nên bất kể thầy tế lễ hoặc vua cũng không được đem biểu tượng hiện diện của Ngài ra khỏi thành phố. Tâm hồn Đa-vít luôn bị dằn vặt vì phạm tội tày trời. Bởi vậy, ông không có phần được quyền rút bảng luật thánh ra khỏi thủ đô, là vật đại diện cho ý muốn của Đấng Giải phóng thiêng liêng, hiến pháp của vương quốc và là nền tảng dựng nước phồn vinh. KTS 372.2
Ông nói với Xa-đốc: “Hãy thỉnh hòm của Đức Chúa Trời vào trong thành. Nếu ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đưa ta trở về, cho ta thấy hòm giao ước và nơi Người ngự. Nhưng nếu Người nói là Người không thương ta nữa, thì này ta đây, Người cứ làm cho ta điều gì Người cho là tốt”. KTS 372.3