Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Chương 69—Cuối Cùng Đa-Vít Cũng Được Tôn Vương
Chương này dựa theo sách 2 Sa-mu-ên 2 — 5:5
Sau-lơ tử trận đã cất đi những mối nguy hiểm khiến Đa-vít phải sống tha hương. Đến lúc này, con đường trở về quê hương dành cho ông đang rộng mở. “Đa-vít cầu vấn Đức Giê-hô-va như vầy: Con có nên đi lên một thành nào trong xứ Giu-đa không? Đức Giê-hô-va phán cùng người rằng: Hãy đi lên. Đa-vít tiếp: Con phải đi lên thành nào? Đức Giê-hô-va phán: Hếp-rôn”. KTS 353.1
Đa-vít cùng đoàn người đi theo hối hả lên đường. Khi đoàn lữ hành tiến vào thành cũng là lúc dân Giu-đa đang mong đợi chào đón Đa-vít như một vị vua của dân Y-sơ-ra-ên. Mọi công tác tổ chức lễ đăng quang được tiến hành ngay lập tức. “Tại đó, Đa-vít được xức dầu làm vua nhà Giu-đa”. Nhưng họ không cố gắng tổ chức thêm lễ công bố quyền cai trị hợp pháp của ông đối với các chi phái còn lại. KTS 353.2
Khi Đa-vít nghe tin những người đàn ông dũng cảm ở Gia-bê Ga-la-át giải cứu thân xác Sau-lơ và Giô-na-than, rồi chôn cất họ đàng hoàng tử tế, ông liền gửi tin rằng: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho các ngươi, vì các ngươi đã có lòng nhân từ đối cùng Sau-lơ, chúa các ngươi, mà chôn người. Nguyện Đức Giê-hô-va lấy lòng nhân từ và thành thực mà đối cùng các ngươi! Còn ta, cũng sẽ làm điều thiện cho các ngươi bởi vì các ngươi đã làm như vậy”. KTS 353.3
Dân Phi-li-tin không cảm thấy lo buồn trong chuyện dân Giu-đa đưa Đa-vít lên ngôi vua. Chúng nghĩ rằng bởi vì chúng đã từng đối xử tốt với Đa-vít, nên việc Đa-vít gia tăng quyền lực cũng là điều thuận lợi cho chúng. Tuy nhiên, thời gian Đa-vít cai trị cũng không thoát khỏi những rắc rối. KTS 353.4
Đức Chúa Trời đã chọn Đa-vít làm vua dân Y-sơ-ra-ên, mặc dù vậy, dân Giu-đa cũng khó chấp nhận quyền cai trị của ông khi Ích-bô-sết (con trai Sau-lơ) đã được lên ngôi cạnh tranh ngai vàng ở Y-sơ-ra-ên. Ích-bô-sết là một người yếu đuối, bất tài trong nhà Sau-lơ, trái ngược với Đa-vít là một người có tài năng xuất chúng. Tể tướng Áp-ne là một người đàn ông nổi tiếng nhất của Y-sơ-ra-ên, đã đưa Ích-bô-sết lên nối ngôi. Ông biết Chúa đã xức dầu cho Đa-vít lên ngôi, nhưng ông không bằng lòng để vương quốc cho con trai Gie-sê sở hữu. KTS 353.5
Áp-ne là một người tham vọng và vô đạo đức. Sau-lơ đã tác động tể tướng căm ghét người đàn ông được Đức Chúa Trời chọn cai trị toàn Y-sơ-ra-ên. Lòng thù hận trong ông càng dâng cao trong lần bị Đa-vít quở trách trúng tim đen khi vua Sau-lơ ngủ và bị họ lấy mất bình nước cùng cây giáo. KTS 353.6
Quyết định chia cắt Y-sơ-ra-ên bằng cách tự tôn mình lên, ông dùng Ích-bô-sết (là đại điện của tiên vương) để phát huy những tham vọng nhỏ nhen của bản thân. Ông biết rằng quân đội vẫn chưa quên những trận chiến huy hoàng của Sau-lơ. Xác định rõ kế hoạch, người lãnh đạo mưu mô này bắt tay ngay vào hành động. KTS 353.7
Đầu tiên, ông chọn Ma-ha-na-im làm cung điện, đây là một vùng đất xa xôi nằm bên bờ sông Giô-đanh. Lễ đăng quang của Ích-bô-sết cử hành tại đó. Vua nắm quyền cai trị toàn cõi Y-sơ-ra-ên, ngoại trừ Giu-đa. Suốt hai năm, người con trai này của Sau-lơ tận hưởng mọi vinh quang trong thành biệt lập của ông. Còn Áp-ne với mưu định mở rộng quyền lực ra khắp Y-sơ-ra-ên, chuẩn bị cho cuộc chiến xâm lược. Thế là “nhà Đa-vít và nhà Sau-lơ giao chiến nhau lâu ngày; nhưng Đa-vít càng ngày càng mạnh, còn nhà Sau-lơ càng ngày càng yếu”. KTS 354.1
Cuối cùng, Áp-ne nổi giận với Ích-bô-sết bất tài, bỏ đi đầu hàng Đa-vít, ông hứa trao quyền cai trị các chi phái còn lại của Y-sơ-ra-ên. Đa-vít chấp thuận lời thỉnh cầu, nhưng việc vua dễ dàng tiếp nhận một chiến binh nổi tiếng như Áp-ne đã khuấy động lòng ghen tỵ của Giô-áp - quan tổng binh quân đội Đa-vít. Giữa hai vị tướng này có mối nợ máu, vì Áp-ne đã giết chết A-sa-ên em trai Giô-áp trong trận chiến giữa Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Bởi vậy lần này, Giô-áp lén phục kích rồi giết chết Áp-ne. KTS 354.2
Khi Đa-vít nghe tin báo về hành vi tấn công bất chính này, ông kêu lên: “Ta và nước ta vô tội đời đời trước mặt Đức Giê-hô-va về huyết của Áp-ne, con trai Nê-rơ. Nguyện huyết ấy đổ lại trên đầu Giô-áp”. Trước tình cảnh bất ổn của vương quốc và quyền lực của những kẻ cướp xung quanh, Đa-vít không thể trừng trị tội nhân cách thích đáng, nhưng ông bày tỏ trước công chúng rằng vua cũng bị sốc và không chấp nhận như vậy. Vua đi theo sau quan tài của Áp-ne thể hiện lòng thương tiếc cho một tổng binh, đứng bên huyệt mộ, vua đọc một bài điếu như một lời quở trách thẳng vô mặt kẻ giết người. KTS 354.3
“Áp-ne há đáng chết như kẻ ngu dại chết sao?... KTS 354.4
Ngươi ngã chết khác nào người ta ngã trước mặt kẻ sát nhân”. KTS 354.5
Đối với kẻ thù cay đắng của ông thì chi phái của Đa-vít là chi phái duy nhất giành được cảm tình của toàn dân Y-sơ-ra-ên. “Trong ngày đó, dân Y-sơ-ra-ên nhìn biết rằng vua chẳng can gì đến tội giết Áp-ne, con trai Nê-rơ”. Nghe theo những lời cố vấn tin cậy riêng, vua nhận thấy không thể tự mình trừng trị kẻ giết người theo đúng tội trọng của hắn. Vua phó mặc quyết định vào Chúa công bình. “Nguyện Đức Giê-hô-va báo kẻ làm ác này, tùy sự ác của nó”. KTS 354.6
Khi Ích-bô-sết “nghe tin Áp-ne đã thác tại Hếp-rôn, thì sờn lòng rủn chí, cả Y-sơ-ra-ên đều bối rối”. Tiếp theo đó xảy ra một hành động phản bội, tranh giành quyền lực khác khiến kẻ yếu càng thêm suy nhược. Ích-bô-sết bị hai đội trưởng của mình giết chết rồi bị chém đầu, chúng vội vã mang thủ cấp trình lên vua dân Giu-đa với hy vọng sẽ được nhà vua ban thưởng. KTS 354.7