Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Sau-lơ được tôn lên làm vua
Cả nước không ai biết về việc Sau-lơ được xức dầu làm vua. Sự lựa chọn của Chúa được bày tỏ công khai bằng nhiều cách. Sa-mu-ên gọi dân sự tập trung về Mích-pa vì mục đích này. Lời cầu nguyện xin sự hướng dẫn từ trời, tiếp theo sau việc cầu nguyện là phần trang trọng cử hành buổi lễ rút thăm. Mọi người im lặng chờ đợi sự chọn lựa. Từng thăm một, chiếc thăm chỉ định từ chi phái, gia tộc, gia đình, cuối cùng là đến Sau-lơ con trai Kích, được chỉ định ra như là việc lựa chọn cho cá nhân. KTS 309.2
Tuy nhiên, Sau-lơ không tham dự buổi lễ. Cảm thấy áp lực nặng nề vì trách nhiệm quá lớn lao đặt trên mình, ông đã bí mật rút lui. Ông bị đem trở ra đứng giữa dân chúng, người ta nhận thấy ông có ngoại hình đẹp, đường bệ, quý phái, “cao hơn mọi người từ vai trở lên”. Sa-mu-ên kêu lên: “Anh em có thấy người mà Đức Giê-hô-va đã chọn không? Trong cả dân chúng không ai có được như người”. Yên lặng một lúc, đám đông vui mừng tung hô vang dội: “Bệ hạ vạn tuế!”. KTS 309.3
Sau đó, Sa-mu-ên giảng giải cho mọi người nghe về “các luật lệ của vương quyền”, nói rõ các nguyên tắc nền tảng của một chế độ quân chủ lập hiến. Vua không phải là một quân chủ chuyên quyền, mà phải dùng năng lực của mình để vâng phục ý muốn của Đấng Chí Cao. Sứ điệp này được ghi chép vào một quyển sách. Mặc dù cả nước coi thường lời cảnh cáo của Sa-mu-ên, nhà tiên tri trung thành vẫn cố gắng bảo vệ quyền tự do của họ càng lâu càng tốt. KTS 309.4
Trong khi hầu hết dân chúng đều sẵn sàng tôn Sau-lơ làm vua, vẫn có một nhóm người phản đối. Vị vua được chọn từ chi phái Bên-gia-min — chi phái nhỏ nhất — mà bỏ qua cả hai chi phái Giu-đa và Ép-ra-im đông đảo nhất và hùng mạnh nhất, họ không thể chấp nhận sự sỉ nhục đó. Những người nôn nóng đòi hỏi phải có vua lại là những người từ chối không chấp nhận người đàn ông do Chúa chỉ định. KTS 309.5
Sau-lơ đi về nhà ở Ghi-bê-a, để mặc Sa-mu-ên điều hành chính quyền như trước. Ông cũng không dùng vũ lực nào để đòi ngai vàng, chỉ lặng lẽ tiếp tục với những bổn phận đồng áng của mình, hoàn toàn phó thác cho Đức Chúa Trời thiết lập thẩm quyền của ông. KTS 309.6
Không lâu sau, dân A-mô-rít xâm lược lãnh thổ phía đông Giô-đanh, đe dọa thành Gia-be Ga-la-át. Cư dân cố gắng xin hòa bình bằng cách cống nạp tiền bạc cho dân A-mô-rít. Tên vua hung hăng không chấp nhận, ngoại trừ điều kiện để hắn móc mắt bên phải của hết thảy mọi người. KTS 309.7
Các sứ giả lập tức đi cầu cứu các chi phái ở phía tây Giô-đanh. Sau-lơ từ ngoài đồng về lúc chập tối, nghe tiếng kêu khóc như có tai họa to lớn gì đó. Đến lúc ông nghe câu chuyện giật mình ấy thì mọi năng lực đang nằm yên trong ông bị đánh thức. ” Thần của Đức Chúa Trời tác động mạnh lên Sau-lơ, … Ông bắt một cặp bò xả ra từng miếng, sai sứ giả đi khắp lãnh thổ Y-sơ-ra-ên rao rằng: Ai không theo Sau-lơ và Sa-mu-ên ra trận, thì bò của người ấy sẽ bị xử như vậy”. KTS 310.1
Ba trăm nghìn người hưởng ứng lời chiêu quân của Sau-lơ. Cuộc hành quân nhanh như chớp chỉ qua một đêm, Sau-lơ và quân đội của ông đã vượt sông Giô-đanh tiến đến gần Gia-be vào “lúc rạng đông”. Ông chia lực lượng ra làm ba cánh quân, tấn công trại quân A-mô-rít từ sáng sớm, vào thời khắc chúng không nghi ngờ sẽ có người lạ và ít canh phòng nhất. Trong lúc cuống cuồng, chúng bị thất bại thảm hại. “Những tên sống sót chạy hoảng loạn đến nỗi không có lấy hai tên chạy chung nhau”. KTS 310.2
Tính sốt sắng và dũng cảm của Sau-lơ, cũng như tài mưu lược của ông là những phẩm chất mà dân Y-sơ-ra-ên muốn có ở một vị vua, để họ có thể đương đầu với các nước lân cận. Đến lúc này họ chào đón ông như vua của họ, tôn vinh chiến công của sức mạnh con người mà quên đi sự thật rằng nếu không có ơn phước đặc biệt của Đức Chúa Trời thì mọi nỗ lực của họ coi như đổ sông đổ bể. Một số người đề nghị xử tử những kẻ ngay từ đầu đã từ chối thẩm quyền của Sau-lơ, nhưng vua can ngăn, nói rằng: “Không một ai phải bị xử tử hôm nay cả, vì là ngày Đức Giê-hô-va đã giải cứu Y-sơ-ra-ên”. Thay vì nhận lấy vinh dự của mình, ông qui vinh hiển về Đức Chúa Trời. Thay vì trả thù, ông làm người tha thứ. Đây là một bằng chứng không thể chối cãi rằng ân điển của Chúa đã ngự trong lòng. KTS 310.3
Lúc này, Sa-mu-ên đề nghị kêu gọi tổ chức một kỳ tế lễ toàn quốc tại Ghinh-ganh để công nhận chính thức vương quốc của Sau-lơ. Buổi lễ diễn ra, “tại đó, họ dâng tế lễ bình an lên Đức Giê-hô-va, Sau-lơ và mọi người Y-sơ-ra-ên đều vui mừng vô cùng”. KTS 310.4
Tại cánh đồng này, liên kết với nhiều buổi lễ hào hứng vui vẻ như vậy, Sa-mu-ên và Sau-lơ đứng đó, đợi đến lúc tiếng reo hò tôn vua lắng xuống, vị tiên tri già mới nói những lời từ biệt của mình như hiến pháp. KTS 310.5
Trước đây Sa-mu-ên từng giải thích các nguyên tắc mà cả vua và dân nên làm, ông cũng muốn thêm trọng trách của bản thân vào lời nói. Từ thời thơ ấu, ông đã được tiếp xúc với các công việc nhà Chúa, rồi trong suốt cuộc đời dài của mình ông luôn luôn là người sống có mục đích — vì vinh hiển của Đức Chúa Trời và điều tốt đẹp nhất cho dân Y-sơ-ra-ên. KTS 310.6
Chính vì hậu quả tội lỗi nên dân Y-sơ-ra-ên đánh mất lòng trung thành với Chúa và lòng tin của họ vào quyền năng của Ngài cùng với trí khôn ngoan để cai quản đất nước; họ cũng mất lòng tự tin vào khả năng Ngài có thể giải quyết mọi nguyên cớ của Ngài. Trước khi họ có thể tìm thấy sự hòa bình thật sự, họ phải nhìn thấy và thú nhận tội lỗi làm họ cảm thấy xấu hổ. KTS 310.7
Sa-mu-ên nhắc lại lịch sử Y-sơ-ra-ên từ ngày Đức Chúa Trời đem họ ra khỏi Ai Cập. Vua của các vua đã đánh trận cho họ. Tội lỗi thường đẩy họ xuống dưới quyền lực của nhiều kẻ thù, nhưng trước khi họ quay trở lại con đường phạm tội thì ân điển Đức Chúa Trời đã dấy lên cho họ một người giải cứu. Đức Giê-hô-va gửi “Ghê-đê-ôn và Bêđan, Giép-thê, Sa-mu-ên giải cứu anh em khỏi tay các kẻ thù xung quanh, và anh em được sống an ổn”. Vậy mà khi hoảng sợ vì nguy hiểm, họ lại tuyên bố: “Phải có một vua cai trị chúng tôi”, vị tiên tri tiếp: “mặc dù Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã là Vua của anh em rồi”. KTS 310.8
Cảm giác bẽ bàng, họ thú nhận hết tội lỗi của mình, mọi thứ tội mà họ còn cảm thấy áy náy trong lòng. “Xin cầu nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông cho các đầy tớ ông, để chúng tôi khỏi chết, vì chúng tôi đã thêm tội xin một vua vào các tội khác của chúng tôi”. KTS 311.1
Sa-mu-ên không bỏ cho dân chúng thất vọng, như vậy sẽ ngăn ngừa họ cố sức tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nghĩ rằng Chúa nghiêm khắc và không tha thứ sẽ khiến họ dễ bị cám dỗ. “Đừng sợ!” là thông điệp mà Chúa gửi qua sứ giả Ngài, “Thật anh em có làm mọi điều ác này; tuy nhiên, anh em đừng quay khỏi Đức Giê-hô-va, nhưng phải hết lòng phụng sự Ngài… Đừng quay khỏi Ngài… Đức Giê-hô-va sẽ không từ bỏ dân Ngài”. KTS 311.2
Sa-mu-ên không nói một từ trách mắng nào cho thái độ vô ơn của dân Y-sơ-ra-ên báo đáp lại cuộc đời tận hiến của mình, ông còn bảo đảm với họ rằng ông không ngừng lo lắng cho họ. “Còn tôi cũng không phạm tội với Đức Giê-hô-va mà ngưng cầu nguyện cho anh em. Tôi sẽ dạy cho anh em biết con đường ngay lành. Chỉ cần anh em phải biết kính sợ Đức Giê-hô-va, hết lòng trung tín phụng sự Ngài. Hãy xem những việc Ngài làm cho anh em lớn lao dường nào”. KTS 311.3