Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Chương 56—Hê-Li Và Các Đứa Con Đồi Trụy Của Ông
Chương này dựa theo sách 1 Sa-mu-ên 2:12-36
Hê-li là thầy tế lễ thượng phẩm và là quan xét Y-sơ-ra-ên, ông có ảnh hưởng rất lớn trên tất cả các chi phái, nhưng ông lại không tề gia chu đáo. Ông là một người cha dễ dãi, không sửa chữa những thói hư tật xấu của con mình. Thay vì đấu tranh tư tưởng với con, ông lại để cho chúng muốn làm gì tùy ý. KTS 291.1
Thầy tế lễ thượng phẩm và quan xét của Y-sơ-ra-ên không phải là người không biết gì về bổn phận cai trị con cái mà Chúa ban cho ông nuôi dưỡng, nhưng Hê-li lại đẩy lùi bổn phận này bởi vì nó liên quan đến việc ngăn cản ý thích của các con, buộc phải trừng phạt và từ chối chúng. Ông để cho con muốn làm gì thì làm, xao lãng nhiệm vụ sửa sai chúng trong công tác hầu việc Chúa và thực hiện những bổn phận trong cuộc đời. KTS 291.2
Người cha trở thành thần dân của con cái, hai con ông không chịu tìm hiểu tính cách của Chúa và tính thiêng liêng trong luật pháp Ngài. Ngay từ khi còn thơ ấu, chúng quá quen thuộc với đền thánh cùng các công việc trong đó, nhưng chúng đánh mất hết cảm giác thiêng liêng lẫn ý nghĩa của đền thánh. Hê-li không uốn nắn thái độ bất kính của chúng bắt phải hầu việc nghiêm túc, cho nên khi đến tuổi trưởng thành chúng đã nuốt đủ thứ trái chết người đầy nghi ngờ và nổi loạn. KTS 291.3
Mặc dù không có gì xứng đáng, chúng vẫn được giao làm thầy tế lễ trong đền thánh để hầu việc trước mặt Đức Chúa Trời. Hai con người tội lỗi này đem cả sự nổi loạn vào cách phục vụ Chúa. Các con sinh tế, biểu tượng chỉ thẳng về sự chết của Đấng Christ, được tạo ra để gìn giữ đức tin của dân sự trông chờ Đấng Cứu Thế, vì vậy cần phải tuân thủ cách nghiêm ngặt mọi hướng dẫn của Chúa liên quan đến họ. Ở nơi dâng hiến yên tĩnh chỉ được đốt mỡ trên bàn thờ. Khẩu phần thức ăn đặc biệt chắc chắn được để dành cho các thầy tế lễ, nhưng phần lớn hơn được trả lại cho người dâng để họ ăn cùng với bạn bè trong kỳ lễ dâng hiến. Điều này sẽ dạy người ta về lòng biết ơn và đức tin vào Đấng Hy Sinh vĩ đại sẽ gánh lấy tội lỗi thế gian đi. KTS 291.4
Không bằng lòng với những phần ăn dâng hiến được chia theo thỏa thuận, hai con trai của Hê-li đòi ăn thêm. Hai thầy tế lễ này lợi dụng các của dâng như một cơ hội để làm giàu cho chúng từ phí tổn của dân sự. Chúng không những đòi hỏi nhiều hơn phần hợp pháp của chúng, mà thậm chí còn không chịu chờ đợi đến khi mỡ con sinh tế dâng lên Chúa bị đốt hết. Chúng đòi bất cứ phần ăn nào chúng muốn, nếu bị từ chối thì chúng dọa sẽ dùng vũ lực để giật lấy. KTS 291.5
Hành động bất kính này đã cướp đoạt ý nghĩa thiêng liêng của công tác hầu việc, còn dân sự “khinh thường các lễ vật dâng lên Đức Giê-hô-va”. Chúng không còn thừa nhận biểu tượng con sinh tế là Đấng Hy Sinh vĩ đại mà dân sự đang chờ mong. “Tội lỗi hai chàng trai này thật nghiêm trọng đối với Đức Giê-hô-va”. KTS 291.6
Hai thầy tế lễ bất trung này đã làm ô nhục phần ăn thiêng liêng của họ chỉ vì những hành vi xấu xa, thấp hèn. Nhiều người cảm thấy ghê tởm những hành động thối nát của Hóp-ni và Phi-nê-a nên họ không thèm đến nơi thờ phượng. Không tin kính, trái đạo đức, thậm chí sùng bái thần tượng đã bắt đầu phổ biến đến mức khủng khiếp. KTS 292.1
Hê-li đã quá sai lầm khi cho phép hai con ông làm thầy tế lễ. Bao biện tội lỗi cho con bằng lý do này hoặc lý do khác khiến ông mù quáng với hàng loạt tội lỗi của chúng. Nhưng cuối cùng ông cũng không thể che giấu khuất mắt tội ác của hai con trai mình được nữa. Dân sự phàn nàn về những hành vi đồi bại của chúng nên thầy tế lễ thượng phẩm không dám mãi im lặng. Hai con nhìn thấy người cha già đau khổ, nhưng tấm lòng chai đá của chúng không lay động. Chúng nghe ông nhẹ nhàng khiển trách, nhưng chẳng thèm lưu tâm, chúng không muốn thay đổi đường lối tội lỗi đang làm. Nếu như Hê-li trừng phạt các đứa con tội lỗi của ông theo đúng luật thì chúng sẽ đối diện với án tử. Lo sợ chuyện nếu phải áp dụng bất cứ hình thức nào cũng sẽ khiến công chúng ghét bỏ và kết án con mình, ông giao chúng làm các nhiệm vụ được tín nhiệm thiêng liêng nhất. Ông để chúng hư hỏng trong công tác hầu việc Đức Chúa Trời và gây tổn hại đến các nguyên tắc của lẽ thật đến nỗi nhiều năm sau đó cũng chưa thể xóa bỏ. Tuy nhiên, Chúa đã ra tay ngăn chặn vấn nạn này. KTS 292.2