Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn

233/343

Ân điển của Chúa cho người nghèo

Cứ mỗi bảy năm sẽ có nhiều sự sắp đặt dành cho người nghèo. Vào thời kỳ gieo hạt theo sau mùa gặt, người ta sẽ ngưng gieo hạt; họ sẽ không trông nom vườn nho vào mùa xuân nên họ cũng không thu hoạch hoa lợi. Các cánh đồng trong năm này được để trống cho khách ngoại bang, kẻ mồ côi và người góa bụa, thậm chí để cho các thú vật ngoài đồng (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:10,11; Lê-vi Ký 25:5). KTS 267.6

Nhưng nếu đất không đủ đáp ứng nhu cầu tự nhiên của người dân thì làm sao họ sống sót qua năm mà không thu hoạch mùa màng? Chúa hứa tạo cho một sự dự trữ dư dật: “Năm thứ sáu Ta sẽ ban ơn phước cho các con đến nỗi hoa lợi sẽ đủ cho ba năm. Năm thứ tám các con sẽ gieo và ăn hoa lợi của mùa màng cũ và tiếp tục ăn hoa lợi của mùa màng cũ đến năm thứ chín” (Lê-vi Ký 25:21,22). KTS 267.7

Năm sa-bát rất lợi ích cho cả đất và con người. Đất đai được nghỉ ngơi một mùa sẽ cho sản vật nhiều hơn. Con người không bị áp lực cày cấy ngoài đồng. Họ có nhiều thời gian rảnh để giải trí, nhiều cơ hội để tái tạo sức lực, nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe, học hỏi những lời dạy dỗ của Chúa và giáo dục gia đình. KTS 268.1

Vào năm sa-bát, những nô lệ người Hê-bơ-rơ được trả tự do. “Khi trả tự do cho họ, anh em đừng để họ ra đi tay không. Phải cung cấp cho họ đầy đủ chiên bò từ bầy gia súc, các sản phẩm từ sân đập lúa, từ hầm ép rượu, tức là từ những gì mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban phước cho anh em” (Phục truyền Luật lệ Ký 15: 13,14). KTS 268.2

Tiền công người lao động phải được trả nhanh chóng. “Phải thanh toán tiền công cho người ấy mỗi ngày, trước khi mặt trời lặn, vì người ấy vốn nghèo khó chỉ còn biết trông chờ vào đó” ((Phục truyền Luật lệ Ký 24:15). KTS 268.3

Có một số chỉ dạy đặc biệt về cách cư xử đối với những kẻ nô lệ chạy trốn: “Nếu có nô lệ trốn khỏi nhà chủ chạy đến với anh em thì đừng giao nó lại cho chủ. Hãy để nó ở lại với anh em và ở giữa anh em… tại nơi nào nó chọn trong bất cứ thành nào của anh em mà nó thích, không được hà hiếp nó” ((Phục truyền Luật lệ Ký 23: 15, 16). KTS 268.4

Đối với người nghèo, năm thứ bảy là một năm thoát khỏi nợ nần. Người Hê-bơ-rơ cho vay mượn tiền bạc mà không quan tâm đến nhu cầu tâm linh của anh em. Tuyệt đối ngăn cấm cho vay nặng lãi đối với người nghèo. “Nếu người anh em của các con lâm vào cảnh nghèo khó, không thể tự nuôi sống mình, thì các con phải giúp đỡ người ấy, dù là ngoại bang hay người tạm trú, để người ấy vẫn có thể sống chung với các con. Không được lấy lãi hay trục lợi người ấy, nhưng phải kính sợ Đức Chúa Trời để anh em các con có thể sống bên các con. Không được cho người ấy vay tiền để lấy lãi, cũng đừng bán lương thực cho người ấy để kiếm lời” (Lê-vi Ký 25:35-37). Nếu nợ vẫn chưa trả nổi đến năm tha nợ, thì cũng không được sửa đổi quy định về việc này. “Nếu giữa anh em có người anh em nghèo khó, … thì chớ cứng lòng hoặc bo bo giữ của đối với những người lân cận nghèo khó của mình…. Hãy cẩn thận, đừng nuôi dưỡng tư tưởng xấu xa trong lòng anh em rằng ‘Sắp đến năm thứ bảy, là năm tha nợ rồi’ và nhìn anh em túng thiếu của mình với ánh mắt ghét bỏ, không giúp gì cho họ cả. Họ sẽ khiếu nại với Đức Giê-hô-va về anh em và anh em sẽ phải mang tội”. “Vì trong xứ lúc nào cũng có người nghèo, nên tôi truyền dặn anh em rằng: Hãy mở rộng vòng tay giúp đỡ người túng thiếu, nghèo khó trong anh em”, “cho người ấy vay bất cứ thứ gì họ cần” (Phục truyền Luật lệ Ký 15:7-9, 11, 8). KTS 268.5

Không ai nên lo sợ rằng lòng rộng rãi sẽ khiến họ trở nên nghèo. Chúa phán: “Anh em sẽ nhiều nước vay, nhưng anh em không vay mượn ai cả; anh em sẽ cai trị nhiều nước, nhưng các nước ấy sẽ chẳng cai trị anh em” (Phục truyền Luật lệ Ký 15:6). KTS 268.6