Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Dân thành Giê-ri-cô sợ hãi
Các sứ giả do thám trở về báo cáo: “Thật Đức Giê-hô-va đã trao cả xứ ấy vào tay chúng ta, tất cả dân trong xứ đều nao núng trước mặt chúng ta”. Ở Giê-ri-cô, họ có nghe kể: “Chúng tôi có nghe rằng khi các ông ra khỏi Ai Cập thì Đức Giê-hô-va đã khiến nước Biển Đỏ khô cạn trước mặt các ông và cũng nghe điều các ông đã làm cho Shi-hôn và Óc (hai vua dân A-mô-rít) ở bên kia sông Giô-đanh mà các ông đã tuyệt diệt. Khi chúng tôi nghe những điều đó thì lòng chúng tôi rụng rời, chẳng ai trong chúng tôi còn can đảm trước mặt các ông nữa, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ông là Đức Chúa Trời ở trên cao kia và ở dưới đất thấp này”. KTS 243.1
Lệnh truyền lúc bấy giờ là chuẩn bị tiến công. Dân chúng có ba ngày chuẩn bị lương thực, còn quân đội thì sẵn sàng ra trận. Rời khỏi nơi đóng trại, quân đội đi xuống rìa sông Giô-đanh. Tất cả mọi người đều hiểu rằng nếu Chúa không giúp đỡ thì họ không thể vượt sông. Vào mùa này trong năm, tuyết tan từ các đỉnh núi chảy xuống Giô-đanh nhiều đến mức tràn bờ sông lên các ruộng đồng, điều kiện này càng không thể vượt sông. Ý Chúa cho vượt sông Giô-đanh sẽ là một phép màu kỳ diệu. KTS 243.2
Nhờ sự hướng dẫn thánh, Giô-suê truyền cho cả dân sự làm sạch tội lỗi, thánh hóa mình, ông nói: “vì ngày mai Đức Giê-hô-va sẽ làm những việc kỳ diệu giữa anh em”. “Hòm giao ước” sẽ dẫn đường, các thầy tế lễ khiêng hòm từ giữa trại quân đi về hướng sông. “Bởi điều này anh em sẽ biết rằng Đức Chúa Trời hằng sống ngự giữa anh em, Ngài hẳn sẽ đuổi dân Ca-na-an đi… Này, hòm giao ước của Chúa cả thế gian đi trước anh em, vượt qua sông Giô-đanh”. KTS 243.3
Đúng thời gian chỉ định, dân chúng bắt đầu lên đường, các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước trên vai đi trước. Khoảng cách giữa hòm giao ước và dân sự là chín trăm mét. Mọi người chăm chú dõi theo các thầy tế lễ đi xuống bờ sông Giô-đanh. Họ nhìn thấy chiếc hòm thánh di chuyển chầm chậm về hướng dòng sông cuồn cuộn cho đến khi các thầy tế lễ khiêng hòm đặt chân xuống nước. Bất ngờ, dòng nước phía trên đảo ngược lại, trong khi phần nước phía dưới vẫn chảy đi hết, lộ ra đáy sông. KTS 243.4
Các thầy tế lễ di chuyển đến giữa lòng sông rồi đứng chờ tại đó cho toàn bộ đoàn dân lần lượt đi xuống để vượt qua bờ bên kia. Quyền năng ngăn chặn nước ở sông Giô-đanh cũng giống như đã mở đường ở Biển Đỏ cho thế hệ trước cách đó bốn mươi năm. Khi mọi người đi qua hết thì hòm giao ước được khiêng về bờ biển phía tây. Ngay khi “bàn chân của các thầy tế lễ đặt trên đất khô” thì nước sông bị chặn đổ dồn xuống tràn hai bên bờ như cũ, như dòng thác tự nhiên. KTS 243.5
Trong khi mười hai thầy tế lễ vẫn còn đang đứng giữa lòng sông Giô-đanh, mỗi người của mỗi chi phái chọn lấy một tảng đá dưới lòng sông nơi họ đang đứng để mang theo về hướng tây. Mấy tảng đá này được xếp đặt thành bàn thờ nơi cắm trại đầu tiên sau khi họ vượt sông như lời Giô-suê nói: “Các dân tộc thế gian biết được bàn tay quyền năng của Đức Giê-hô-va và anh em cũng luôn luôn kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em”. KTS 243.6
Phép lạ này đảm bảo với dân Y-sơ-ra-ên rằng Chúa vẫn tiếp tục hiện diện và bảo vệ họ, chứng tỏ rằng Ngài sẽ làm việc với họ thông qua Giô-suê cũng như Ngài từng làm việc thông qua Môi-se. Trước khi vượt sông, Chúa có phán với Giô-suê: “Hôm nay, Ta sẽ làm cho con được tôn trọng trước mặt toàn dân Y-sơ-ra-ên để họ biết rằng Ta sẽ ở cùng con như Ta đã ở với Môi-se vậy”. KTS 244.1
Tin đồn về việc Chúa rẽ nước sông Giô-đanh cho con cháu Y-sơ-ra-ên băng sông đã đến tai các vua dân A-mô-rít và dân Ca-na-an, lòng họ rụng rời hoảng sợ. Đối với dân Ca-na-an thì dân Y-sơ-ra-ên nói chung và Giô-suê nói riêng đều là bằng chứng không thể chối cãi rằng có một Chúa hằng sống, là Vua của trời đất, đã ở cùng con cái Ngài. Ngài sẽ không quên họ, cũng không bỏ rơi họ. KTS 244.2
Dân Hê-bơ-rơ cắm trại lần đầu tiên trên đất Ca-na-an cách Giê-ri-cô không xa lắm. Họ dừng lại để tổ chức kỷ niệm lễ Vượt Qua và thực hiện nghi thức cắt bao qui đầu vì chứng cớ Chúa không hài lòng do họ từng mong muốn trở lại vùng đất làm nô lệ và vi phạm giao ước. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, những năm bị phạt cũng đã hết, dấu hiệu giao ước cũng được giữ lại. Nghi thức cắt bao qui đầu chỉ thực hiện đối với những người được sinh ra trong hoang mạc, Chúa phán với Giô-suê: “Hôm nay, Ta đã cất khỏi các con nỗi ô nhục của Ai Cập”. KTS 244.3
Các nước ngoại giáo cùng nhau cười nhạo Chúa và dân sự Ngài vì người Hê-bơ-rơ sai lầm muốn sở hữu Ca-na-an ngay khi rời bỏ Ai Cập. Các kẻ thù của họ đã chiến thắng vì dân Y-sơ-ra-ên lang thang trong hoang mạc quá lâu, họ dùng lời lẽ chế giễu rằng Chúa của người Hê-bơ-rơ không thể đem họ vào Đất Hứa. Giờ đây, sự thật hiển nhiên không thể nhầm lẫn rằng Chúa đã dùng quyền năng và ân huệ của Ngài mở đường ngăn sông Giô-đanh trước mặt dân sự Ngài, những kẻ thù không còn dám trêu chọc họ nữa. KTS 244.4
Họ kỷ niệm Lễ Vượt Qua xong, “khi họ ăn thổ sản trong xứ thì đến ngày hôm sau, ma-na cũng dứt và dân Y-sơ-ra-ên không có ma-na nữa”. Bao năm trường lang thang trong hoang mạc đã qua. Những bước chân của dân Y-sơ-ra-ên cuối cùng cũng đi vào Đất Hứa. KTS 244.5