Khởi Đầu Thời Kỳ Suy Tàn
Tội ganh ghét
Môi-se biết khuyết điểm của bản thân nên công nhận Chúa là Đấng cố vấn duy nhất cho ông, nhưng A-rôn thì nghĩ mình cao hơn nên ít tin cậy Chúa, chính vì vậy ông đã vướng phải trọng tội trong vấn đề thờ thần tượng dưới chân núi Si-nai. Cả Mi-ri-am và A-rôn bị mù quáng vì ghen tỵ và tham vọng, nên nói rằng: “Đức Giê-hô-va chỉ phán qua Môi-se thôi sao? Không phải Ngài cũng phán qua chúng ta nữa sao?”. KTS 191.7
Mi-ri-am tìm ra lý do để phàn nàn ngay cả các việc mà Chúa đã đặc biệt chỉ đạo. Hôn nhân của Môi-se cũng làm cho bà cảm thấy khó chịu. Đó là một sự sỉ nhục đối với gia đình bà và danh dự dân tộc khi ông cưới một người nữ ngoại bang thay vì chọn một trong số người nữ Hê-bơ-rơ. Bà coi thường Sê-phô-ra ra mặt. KTS 191.8
Dù bị gọi là “dân da đen”, vợ của Môi-se là dân Ma-đi-an và cũng là một hậu tự của Áp-ra-ham. Màu da của bà không giống với người Hê-bơ-rơ và có phần đen hơn. Bất kể không phải là người Y-sơ-ra-ên, bà Sê-phô-ra cũng tôn thờ Đức Chúa Trời chân thật. Bà là một phụ nữ nhút nhát, lặng lẽ và dễ bị sầu thảm khi đối mặt với dau khổ. Đó là lý do tại sao khi Môi-se trở về Ai Cập, ông đã đồng ý cho bà ở lại Ma-đi-an. KTS 192.1
Khi Sê-phô-ra vui mừng gặp lại chồng trong hoang mạc, bà chứng kiến những gánh nặng mà ông đang gồng gánh nên bà thuật lại những sợ hãi cho ông Giê-trô nghe, ông đã nghĩ ra một cách giúp cho Môi-se nhẹ gánh hơn. Đây là lý do khiến Mi-ri-am không thích Sê-phô-ra. Mi-ri-am nghĩ rằng vợ của Môi-se chính là nguyên nhân khiến cho bà và A-rôn bị phớt lờ. Giả sử như A-rôn kiên định đứng theo đường ngay lẽ thẳng, ông có thể ngăn chặn Mi-ri-am phạm tội, thay vì chỉ cho Mi-ri-am thấy hành vi đạo đức xấu của bà, nhưng ngược lại, ông thông cảm với bà rồi dần dần nhiễm luôn lòng ghen tỵ của bà. KTS 192.2
Môi-se chống đỡ những lời buộc tội của họ bằng thái độ im lặng không đáp trả bất cứ lời nào. Ông là “người rất khiêm hòa, khiêm hòa hơn hết mọi người trên thế gian”, đó chính là lý do vì sao Môi-se được ban cho sự khôn ngoan thiêng liêng cùng sự dẫn dắt nhiều hơn bất cứ người nào khác. KTS 192.3
Chúa đã chọn Môi-se. Còn Mi-ri-am và A-rôn thì càm ràm nên họ phạm tội bất trung không chỉ với người lãnh đạo được chỉ định của họ mà còn bất trung với chính Chúa. “Đức Giê-hô-va ngự xuống trong đám mây đứng tại cửa Lều Hội Kiến, rồi gọi A-rôn và Mi-ri-am vào”. Họ mong muốn làm tiên tri và đã được nhậm lời, nhưng có một mối quan hệ mật thiết hơn đặc biệt dành cho Môi-se. Riêng ông, Đức Chúa Trời nói chuyện mặt đối mặt. “Tại sao các con không sợ mà nói hành đầy tớ Ta là Môi-se? Cơn thịnh nộ của Chúa nổi phừng lên với hai người và Ngài lìa khỏi họ”. Chúa thể hiện sự không hài lòng, Mi-ri-am “bị phong hủi trắng như tuyết”. A-rôn không bị phong hủi, nhưng bị khiển trách gay gắt qua hình phạt dành cho Mi-ri-am. Đến lúc ấy, lòng cao ngạo của họ bị hạ xuống bụi đất, A-rôn thú nhận tội lỗi của họ và van xin cho em có thể không bị bỏ mạng vì bệnh tật gớm ghiếc chết người đó. KTS 192.4
Nhậm lời cầu xin của Môi-se, Mi-ri-am sạch phong hủi, nhưng bà bị đuổi ra ngoài trại quân suốt bảy ngày. Toàn trại Y-sơ-ra-ên đều ở lại Hát-sê-rốt đợi đến khi bà được trở vào. KTS 192.5
Chúa bày tỏ hành động không đồng ý như vậy nhằm ngăn chặn sự phát triển tinh thần bất mãn rồi nổi loạn. Tính đố kỵ là một trong những điểm yếu tệ hại nhất có thể tồn tại trong lòng con người. Tính đố kỵ là nguyên nhân đầu tiên gây mất hạnh phúc và xung đột trên thiên đàng, tạo cơ hội cho tội ác phát triển không ngừng dưới thế gian. KTS 192.6
Kinh Thánh dạy chúng ta đừng cẩu thả buộc tội những người mà Chúa gọi là đại sứ của Ngài. “Đừng chấp nhận lời tố cáo chống lại một trưởng lão nếu không có hai hoặc ba nhân chứng” (1 Ti-mô-thê 5:19). Chúa là Đấng giao trách nhiệm cho các lãnh đạo và giáo sư dạy dỗ dân sự Ngài sẽ gìn giữ dân sự dựa theo trách nhiệm mà họ đối đãi với các tôi tớ Ngài. Hình phạt dành cho Mi-ri-am cũng là lời khiển trách cho tất cả những ai có tính ganh tỵ và thích chê bai chống lại những người Chúa giao cho bổn phận hầu việc Ngài. KTS 192.7