Sự Tranh Đấu Khốc Liệt
Chương 4 - Sự Giáng Sinh Của Đấng Christ
Đoạn tôi được đem trở lại thời điểm khi chính bản thân Đức Chúa Jêsus đã mang lấy bản tánh của con người, hạ mình xuống như một người và chịu những sự cám dỗ của Sa-tan. ĐTK 20.1
Sự hạ sanh của Ngài không mang chút quyền quí của thế gian. Ngài được sanh ra trong một chuồng lừa, đặt trong một máng cỏ; tuy vậy sự ra đời của Ngài thì được tôn quý hơn bất kì sự ra đời nào của con loài người. Các thiên sứ từ trời đã báo tin cho những mục đồng [người chăn chiên] về sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus, trong khi ánh sáng và sự vinh hiển từ Đức Chúa Trời đi kèm theo lời chứng của họ. Đoàn thiên binh khẩy đờn cầm và ngợi khen Đức Chúa Trời. Họ hân hoan báo tin về sự đến của Con Đức Chúa Trời cho thế giới sa ngã để hoàn tất công việc cứu rỗi, và bởi sự chết của Ngài sẽ đem đến sự bình an, hạnh phúc và sự sống đời đời cho con người. Đức Chúa Trời đã ban vinh dự cho sự giáng sinh của con Ngài. Các thiên sứ thờ phượng Ngài. ĐTK 20.2
Các thiên sứ của Đức Chúa Trời bay lượn trên quang cảnh của lễ báp-têm Ngài, và Đức Thánh Linh giáng xuống trong hình dáng của một con chim bồ câu, cùng với ánh sáng rọi trên Ngài; và khi mọi người đứng sững trong sự kinh ngạc lớn với đôi mắt hoàn toàn hướng về Ngài, thì tiếng của Đức Chúa Cha từ trời phán rằng, ‘Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng.’ Giăng không chắc lắm về Đấng Cứu Chuộc mà đã đến để được ông báp-têm cho tại sông Giô-đanh. Nhưng Đức Chúa Trời đã hứa ban cho ông một dấu hiệu để nhờ đó ông sẽ biết đó là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Dấu hiệu đó được ban cho khi bồ câu từ trời đậu trên Đức Chúa Jêsus, và vinh hiển của Đức Chúa Trời chiếu sáng xung quanh Ngài. Giăng đưa tay ra, chỉ về Đức Chúa Jêsus và kêu lớn tiếng rằng, ‘Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.’ ĐTK 20.3
Giăng báo cho các môn đồ của ông biết rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Mê-si của lời hứa, Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Khi công việc của ông dần kết thúc, ông đã dạy bảo các môn đồ của mình hãy tìm Đức Chúa Jêsus và đi theo Ngài như một người Thầy vĩ đại. Cuộc đời của Giăng không hề vui sướng. Đó là một cuộc đời đau khổ và quên mình, ông rao báo sự giáng sinh của Đấng Christ, và rồi lại không được cho phép để chứng kiến những phép lạ và vui hưởng quyền lực mà Ngài bày tở. Ông biết rằng khi Đức Chúa Jêsus kiến lập bản thân Ngài như một người Thầy, thì ông sẽ phải chết. Tiếng nói của ông ít được nghe đến, ngoại trừ trong đồng vắng. Cuộc đời ông cô độc. Ông đã không níu lấy dòng họ của cha ông để vui hưởng cuộc sống thuộc tầng lớp quan sang chức trọng của họ, nhưng từ bở chúng để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhiều đám đông đã rời những thành phố và làng mạc bận rộn, tụ tập nơi đồng vắng để nghe những lời giảng của vị tiên tri tuyệt vời và nổi bật ấy. Giăng đã đặt cái búa kề rễ cây. Ông đã khiển trách tội lỗi mà không hề lo sợ đến hậu quả, và dọn đường cho Chiên Con của Đức Chúa Trời. ĐTK 21.1
Vua Hê-rốt đã xúc động khi nghe những lời chứng mạnh mẽ và thẳng thắn của Giăng. Với một sự quan tâm sâu sắc ông đã hởi rằng mình phải làm gì để có thể trở nên môn đồ của Giăng. Giăng đã biết rõ việc ông ta chuẩn bị lấy vợ của em trai làm vợ trong khi chồng của bà ta vẫn còn sống, và Giăng đã trung thực nói với Hê-rốt rằng điều đó thì không đúng với luật pháp. Vua Hê-rốt không sẵn lòng để hy sinh bất kỳ điều gì. Ông đã cưới vợ của em trai mình, và bởi ảnh hưởng của bà ta mà bắt giam Giăng vào ngục. Nhưng Hê-rốt dự định sẽ thả người ra. Trong khi bị giam cầm tại đó, qua các môn đồ của mình Giăng đã được nghe về những công việc phi thường của Đức Chúa Jêsus. Người không thể nghe những lời nhân từ của Ngài. Nhưng các môn đồ đã truyền lại cho người nghe, và an ủi người với những gì họ đã nghe được. Chăng bao lâu sau Giăng bị chém đầu bởi tác động của vợ Hê-rốt. Tôi thấy rằng người môn đồ nhở bé nhất mà đã đi theo Đức Chúa Jêsus, được chứng kiến những phép lạ của Ngài, và được nghe những lời an ủi thốt ra từ môi miệng Ngài, thì còn vĩ đại hơn Giăng Báp-tất. Đó là, họ được tôn cao cùng có vinh dự hơn, và có sự vui sướng hơn trong đời sống của họ. ĐTK 21.2
Giăng đã đến trong tinh thần và quyền phép của Ê-li, để rao báo sự đến lần thứ nhất của Đức Chúa Jêsus. Tôi được chỉ về những ngày sau rốt, và thấy rằng Giăng là đại diện cho những ai ra đi trong tinh thần và quyền phép của Ê-li, để báo trước về ngày thạnh nộ, và sự đến lần thứ hai của Đức Chúa Jêsus. ĐTK 21.3
Sau khi Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm tại sông Giô-đanh, Ngài được Đức Thánh Linh đưa vào đồng vắng để chịu cám dỗ bởi ma quỉ. Đức Thánh Linh đã chuẩn bị Ngài để thích hợp với quang cảnh đặc biệt của những sự cám dỗ mãnh liệt ấy. Ngài đã bị ma quỉ cám dỗ bốn mươi ngày, và trong những ngày ấy Ngài không ăn gì. Mọi thứ xung quanh Đức Chúa Jêsus thì rất khó chịu, dễ dàng khiến cho bản tánh con người đi đến chỗ chùn bước. Ngài đã ở đó với nhũng loài thú rừng, và với ma quỉ trong một nơi hoang vắng và cô độc. Tôi thay rằng Con Đức Chúa Trời xanh xao và hốc hác vì sự kiêng ăn và đau khổ. Nhưng hướng đi của Ngài đã được vạch ra, và Ngài phải hoàn thành công việc mà Ngài đã đến để thực hiện. ĐTK 22.1
Sa-tan đã lợi dụng những sự đau đớn của Con Đức Chúa Trời, và chuẩn bị vây quanh Ngài với những cám dỗ đa dạng, hy vọng giành được chiến thắng trên Ngài, bởi vì Ngài đã hạ mình xuống như một con người. Sa-tan đã đến với sự cám dỗ này, ‘Nếu người là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá này trở nên bánh đi.’ Nó đã cám dỗ Đức Chúa Jêsus hạ cố đến nó, và cho nó bằng chứng về việc Ngài là Đấng Mê-si, bằng cách thực thi quyền năng thiên thượng của mình. Đức Chúa Jêsus đã ôn tôn tra’ lời nó rằng, ‘Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.’ Sa-tan đang tìm kiếm một sự tranh luận với Đức Chúa Jêsus về việc Ngài là Con Đức Chúa Trời. Nó kể đến tình trạng yếu đuối và đau khổ của Ngài, và quả quyết một cách khoác lác rằng nó mạnh hơn Đức Chúa Jêsus. Nhưng lời phán từ trời, ‘Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng’ thì đủ để giữ vững Đức Chúa Jêsus qua tất cả những sự đau khổ của Ngài. Tôi thấy rằng trong tất cả nhiệm vụ của mình, Ngài không cần làm gì để thuyết phục Sa-tan về quyền phép của Ngài cũng như việc Ngài là Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Sa-tan đã có đủ bằng chứng về địa vị cao trọng và quyền uy của Ngài. Việc nó không sẵn lòng qui phục trước quyền thế của Đức Chúa Jêsus đã khiến nó không được nhận vào thiên đàng. ĐTK 22.2
Để biểu lộ sức mạnh của mình, Sa-tan đã mang Đức Chúa Jêsus đến thành Giê-ru-sa-lem, và đặt Ngài trên nóc đền thờ, và một lần nữa cám dỗ Ngài, rằng nếu Ngài là Con Đức Chúa Trời, thì hãy cho nó bằng chứng về điều đó bằng cách gieo mình xuống khởi độ cao chóng mặt mà nó đã đưa Ngài lên đó. Sa-tan dùng những lời được soi dẫn sau, ‘Vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi, thì các đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay, kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng.’ Đức Chúa Jêsus trả lời nó rằng, ‘Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.’ Sa-tan mong muốn sẽ khiến Đức Chúa Jêsus lợi dụng lòng nhân từ của Cha Ngài, và mạo hiểm với sự sống Ngài trước khi hoàn thành sứ mệnh. Nó đã hy vọng rằng kế hoạch cứu rỗi sẽ thất bại; nhưng tôi thấy rằng kế hoạch ấy đã được sắp đặt rất vững vàng đến nỗi không thể nào bị Sa-tan đẩy lùi hay là làm hư hỏng được. ĐTK 22.3
Tôi thấy rằng Đấng Christ là gương cho tất cả những Cơ Đốc nhân khi họ bị cám dỗ hoặc khi họ bàn cãi về quyền lợi của mình. Họ phải chịu đựng một cách kiên nhẫn. Họ không nên nghĩ rằng mình có quyền kêu cầu Đức Chúa Trời phô bày quyền năng của Ngài, để họ có thể giành được chiến thắng trước những kẻ thù nghịch mình, trừ khi có một mục đích đặc biệt được xét thấy, để Đức Chúa Trời có thể được tôn cao và vinh hiển một cách trực tiếp qua điều đó. Tôi thấy rằng nếu Đức Chúa Jêsus đã gieo mình xuống khởi nóc đền thờ, thì điều đó không làm vinh hiển Cha Ngài; bởi không ai sẽ chứng kiến hành động ấy ngoại trừ Sa-tan, và các thiên sứ của Đức Chúa Trời. Và điều đó sẽ cám dỗ Chúa phô bày quyền năng của Ngài trước kẻ thù cay đắng nhất của Ngài. Đó sẽ là một sự hạ mình trước kẻ mà Đức Chúa Jêsus đã đến để chế ngự. ĐTK 23.1
‘Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự này. Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.’ Tại đây Sa-tan đã chỉ cho Đức Chúa Jêsus thấy các nước của thế gian. Chúng được phô bày ra trong ánh sáng quyến rũ nhất. Nó tở ý muốn cho Đức Chúa Jêsus tất cả những nước ấy nếu như Ngài thờ phượng nó ngay tại đó. Nó nói với Đức Chúa Jêsus rằng nó sẽ từ bở quyền sở hữu thế gian. Sa-tan biết rằng quyền lực của nó phải bị hạn chế và sau rốt sẽ bị cất đi, nếu như kế hoạch cứu rỗi được thực hiện. Nó biết rằng nếu Đức Chúa Jêsus sẽ chết để cứu chuộc con người, thì quyền lực của nó sẽ chấm dứt sau một thời gian, và nó sẽ bị hủy diệt. Vì thế đó chính là kế hoạch cẩn trọng của nó để ngăn cản nếu có thể được sự hoàn tất của công việc vĩ đại mà đã được Con Đức Chúa Trời bắt đầu. Nếu như kế hoạch cứu rỗi con người thết bại, thì nó sẽ giữ lại được vương quốc mà nó đã tuyên bố là thuộc về nó. Và nêu như nó thành công, nó hy vọng hão huyền rằng nó sẽ cai trị đối nghịch lại với Đức Chúa Trời của thiên đàng. ĐTK 23.2
Sa-tan đã đắc chí khi Đức Chúa Jêsus rời bở thiên đàng và rời bở quyền lực cùng sự vinh hiển của Ngài ở đó. Nó nghĩ rằng Con Đức Chúa Trời bị đặt dưới quyền thế của nó. Sự cám dỗ trông rất dễ dàng với đôi vợ chồng thánh khiết tại Ê-đen, rằng nó hy vọng có thể đánh bại ngay cả Con Đức Chúa Trời với sự gian xảo và quyền lực ma quỉ của nó, để bằng cách ấy cứu lấy mạng sống cùng nước của nó. Nếu nó có thể cám dỗ Đức Chúa Jêsus đi trệch khởi ý muốn của Cha Ngài, thì nó sẽ đạt được mục đích mình. Đức Chúa Jêsus đã ra lệnh cho Sa-tan hãy lui ra đằng sau Ngài. Ngài chỉ cúi thờ lạy Cha Ngài. Sẽ đến thời điểm mà Đức Chúa Jêsus sẽ chuộc lại những gì Sa-tan đã chiếm hữu bằng chính sự sống của Ngài, và sau một thời gian, cả trời và đất sẽ qui phục Ngài. Sa-tan đã tuyên bố rằng các nước của thế gian là của nó, và nó nói ngầm với Đức Chúa Jêsus rằng Ngài có thể tránh được tất cả những sự đau khổ của Ngài. Ngài không nhất thiết phải hy sinh để có được các nước của thế gian này. Nhưng Ngài sẽ có được toàn bộ quyền sở hữu trái đất, và sự vinh hiển trong việc cai trị chúng, nếu như Ngài cúi xuống thờ lạy nó. Đức Chúa Jêsus đã kiên định. Ngài chọn một đời sống đau khổ một cái chết đáng sợ, để trở nên một Người thừa kế hợp pháp các nước của thế gian, và các nước ấy được trao trong tay Ngài như là một sản nghiệp đời đời trong đường lối Cha Ngài đã chỉ định. Sa-tan cũng sẽ được trao nơi tay nó sự hủy diệt bằng sự chết, để nó không còn bao giờ có thể quấy rối Đức Chúa Jêsus hoặc các thánh đồ trong sự vinh hiển. ĐTK 23.3
Xem Phục-truyền-luật-lệ-ký 6: 16; 8: 3; 2 Các-vua 17: 35, 36; Thi-thiên 91: 11, 12; Lu-ca 2-4. ĐTK 24.1